Thu hút dòng vốn FDI chất lượng
Kinh tế thế giới khó khăn nhưng nhiều định chế tài chính vẫn đánh giá cao Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm được thị phần đáng kể trong nhiều lĩnh vực, trong đó có dệt may, giày dép và điện tử. Ông Jan Nicholas - Giám đốc điều hành mảng chip Deloitte cho rằng Việt Nam đã nổi lên là một trong những “cứ điểm” cho các nhà sản xuất chip toàn cầu.
Vào hồi đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị Samsung sản xuất chip tại Việt Nam vào năm 2023. Thủ tướng nói, mong muốn tập đoàn khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn, phấn đấu đạt mục tiêu sản xuất đại trà từ tháng 7 tại Nhà máy Samsung Thái Nguyên.
Điểm đến nhiều tiềm năng
Được biết, Samsung đang thử nghiệm sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn và dự định sản xuất hàng loạt tại nhà máy đặt tại Thái Nguyên trong thời gian tới.
Một thông tin khác được hãng tin Reuters dẫn nguồn cũng cho hay, Tập đoàn Intel đang xem xét tăng khoản đầu tư đáng kể 1,5 tỷ USD vào Việt Nam để mở rộng nhà máy thử nghiệm và sản xuất chip tại quốc gia Đông Nam Á này. Reuters đánh giá vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu về chất bán dẫn.
Ở một ngành khác liên quan đến may mặc, da giày Việt Nam cũng là nơi sản xuất cho các hãng lớn như Nike, Adidas, Uniqlo. Uniqlo hiện là đối tác thu mua của 45 nhà máy may mặc tại Việt Nam để cung cấp cho thị trường trong nước và thế giới, qua đó đưa Việt Nam thành cơ sở sản xuất lớn thứ 2 của tập đoàn này.
Hay các nhãn hàng lớn như Mango, Zara hay H&M cũng đang là đối tác thu mua, đặt hàng tại nhiều nhà máy may mặc tại Việt Nam. Với hãng giày và đồ thể thao Adidas, các nhà máy giày dép và may mặc trong nước đang cung ứng khoảng 30% sản lượng của hãng này.
Có thể khẳng định độ mở của nền kinh tế Việt Nam ngày càng cao. Cụ thể đó là quan hệ kinh tế song phương với trên 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã tham gia và ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTAs) là nền tảng vững chắc về mặt pháp lý cho Việt Nam hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện Việt Nam trở thành điểm sáng trong thu hút sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nằm trong nhóm 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI.
Báo cáo thường niên FDI năm 2022 vừa phát hành cũng đánh giá trong bối cảnh chính trị và kinh tế thế giới bất ổn thì thương mại và đầu tư toàn cầu cũng sụt giảm tại tất cả khu vực kinh tế, Việt Nam nổi lên như một quốc gia ứng phó thành công với đại dịch, sớm mở cửa với thế giới, ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, có chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, tăng trưởng đạt mức cao nhất khu vực, lạm phát được kiềm chế. Việt Nam được các tổ chức quốc tế, chính phủ nhiều nước, doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là điểm đến đầy tiềm năng, là nơi đáng sống và làm việc có triển vọng.
Vượt qua rào cản
Giới chuyên gia cho rằng, thu hút tìm kiếm được doanh nghiệp FDI đầu tư đã là thành công, nhưng thành công hơn là giữ chân và phát triển dòng vốn chất lượng. Đặc biệt trong năm 2023 khi bất ổn địa chính trị toàn cầu gia tăng thì các tập đoàn lớn có xu hướng quay trở về đầu tư trong nước.
Bà Delphine Rousselet - Giám đốc điều hành EuroCham nói rằng để thu hút được các dự án FDI chất lượng cao, hấp thu được lượng vốn lớn, theo đại diện các nhà đầu tư châu Âu vẫn cần tiếp tục cải thiện các thủ tục hành chính và visa với người nước ngoài.
Nhìn chung, giới chuyên gia cho rằng Việt Nam cần nâng cấp chính sách thu hút và sử dụng FDI hướng mạnh vào tăng trưởng xanh, chuyển đổi số và kết nối chuỗi cung ứng của DN Việt Nam với DN FDI, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia. Cùng với đó, hoàn thiện thể chế, pháp luật, trong đó có việc nội luật hóa thuế tối thiểu toàn cầu, xử lý tốt quan hệ nội lực với ngoại lực; hiện đại hoá hạ tầng kinh tế - xã hội và đẩy mạnh cải cách hành chính quốc gia... là các giải pháp chính được đề xuất để tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả dòng vốn FDI năm 2023 và những năm tiếp theo.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cũng cho rằng, cần tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng. Cùng đó cần rà soát toàn bộ các khu công nghiệp, theo đó các khu công nghiệp cần ưu tiên mở rộng, xây mới; công bố danh sách các khu công nghiệp có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng sẵn sàng... để thu hút đầu tư. Chủ động triển khai các chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư, khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy, kết nối, làm việc với các tập đoàn lớn của thế giới để trao đổi, chia sẻ các cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối giao thông thông suốt giữa các tỉnh/thành phố, các vùng/miền, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển.
TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê:
Xây dựng lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI
Thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần thực hiện một số giải pháp nhằm “giữ chân” và đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài. Theo đó, cần xây dựng lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI với điều kiện đầu tư, hệ thống pháp luật minh bạch, dễ dự đoán trên nền tảng phát triển nền kinh tế thị trường kết nối toàn cầu bằng các quy tắc của pháp luật. Đồng thời, xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, có năng lực, khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài.