Linh hoạt, cởi mở để đón vốn đầu tư
Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế chính sách (VEPR) nhấn mạnh, với sự phát triển của công nghệ, chúng ta cần có chính sách thu hút và chọn lọc các dự án FDI chất lượng vào các lĩnh vực có giá trị cao và hướng tới phát triển bền vững, kinh tế xanh..
Theo ông Việt, trong năm 2023 và thời gian tới muốn thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao thì cần tiếp tục cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hiệu quả, thống nhất cho doanh nghiệp vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Trong đó, các giải pháp cải cách bao gồm bảo đảm quyền tài sản, cải cách về điều kiện kinh doanh, sửa đổi các quy định đầu tư, đất đai, xây dựng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách. Trong đó, chú trọng cải cách thị trường tài chính để thu hút nhanh chóng và sử dụng có hiệu quả các vốn.
Với sự phát triển của công nghệ, Việt Nam cần có chính sách thu hút và chọn lọc các dự án FDI chất lượng vào các lĩnh vực có giá trị cao và hướng tới phát triển bền vững, kinh tế xanh. Đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng nghề và làm chủ công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ… để sẵn sàng thu hút các tập đoàn công nghệ lớn.
Ông Việt cũng chỉ ra một số yếu tố khiến Việt Nam vẫn là điểm đến của các tập đoàn kinh tế toàn cầu, đó là các nhà cung ứng của tập đoàn nổi tiếng mong muốn chuyển dịch chuỗi giá trị sang Việt Nam để cân bằng những rủi ro không lường trước được. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI đã hoạt động tại Việt Nam tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh làm cho nguồn vốn đầu tư bổ sung và mở rộng chiếm tỷ trọng đáng kể. Điều này cho thấy niềm tin tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài với thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, không có con đường nào bằng phẳng cả. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, thu hút FDI trong thời gian tới dự báo khó khăn hơn do nhiều yếu tố tạo áp lực. Khi Trung Quốc mở cửa sau dịch Covid-19, sức hút của nền kinh tế khổng lồ này sẽ níu chân các tập đoàn nước ngoài ở lại tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất. Trong khối ASEAN, Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh thu hút FDI với một số quốc gia như Singapore, Indonesia, Thái Lan… Các nước này đã tận dụng khá tốt Hiệp định khu vực tự do ASEAN để phát triển một số ngành công nghiệp theo hướng xanh và bền vững, tạo những thế mạnh nhất định trong thu hút FDI.
“Về mặt thị trường và chính sách, các quốc gia trên đều rất cởi mở trong môi trường kinh doanh, nhất là các thủ tục đầu tư được thực hiện nhanh gọn và thuận lợi với xu thế đầu tư lĩnh vực then chốt, lĩnh vực mới. Chẳng hạn như Indonesia đang thu hút nhiều dự án đầu tư sản xuất lắp ráp ô tô điện phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Ngoài áp lực cạnh tranh trên, vốn FDI đăng ký mới trên toàn cầu giảm tốc từ cuối năm ngoái do suy thoái kinh tế nên bị ảnh hưởng. Vì thế, Việt Nam cần nhiều chính sách linh hoạt, cởi mở để thu hút dòng vốn FDI” - ông Việt nói.