Cẩn trọng với lời nhờ cầm hộ hàng hóa ở sân bay
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định, với việc "xách tay" số lượng ma túy lên tới hơn 11 kg, nhóm tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt trường hợp này lên đến chung thân, tử hình.
Đối diện “án tử”
Trước đó, như Báo Đại Đoàn Kết đã đưa tin, ông Nguyễn Hữu Ngiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM cho biết, cán bộ hải quan tại cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện dấu hiệu bất thường trong hành lý của 4 tiếp viên Vietnam Airlines, đi chuyến bay VN10 từ Pháp. Quá trình kiểm tra phát hiện bên trong những tuýp kem đánh răng, nước súc miệng các tiếp viên mang về có hơn 8 kg thuốc lắc và hơn 3 kg ketamine (ma túy khay, loại đắt tiền nhất), cocain.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, pháp luật quy định người không chức năng kinh doanh vận chuyển hàng hóa buộc phải biết, kiểm tra kỹ hàng hóa trước khi vận chuyển. Nếu không kiểm tra thì đó là chủ quan, từ chối quyền của mình. Hành vi như vậy vô tình tiếp tay cho hành vi phạm tội.
Vì thế, trường hợp này pháp luật quy định người vận chuyển buộc phải biết rằng hành vi vận chuyển ma túy là trái pháp luật, buộc phải có trách nhiệm kiểm ra kỹ, không được phép vận chuyển hàng cấm.
Nếu cố tình vận chuyển hàng cấm là ma túy thì tùy số lượng ma túy mà quy kết trách nhiệm. Theo điểm 3.2 khoản 3 Mục II Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP, vận chuyển trái phép chất ma túy là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp chất ma túy từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào. Trong đó, hình thức vận chuyển trái phép chất ma tuý bao gồm:
Vận chuyển trái phép chất ma túy bằng các phương tiện khác nhau như ô tô, tàu bay, tàu thủy…; trên các tuyến đường khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bưu điện… Tuy nhiên, với khối lượng 11kg thì theo điều 250 Bộ luật hình sự khung hình phạt trường hợp này lên đến chung thân, tử hình.
Bài học đắt giá
Luật sư Hùng cho biết thêm, mặc dù rất nhiều bài học liên quan đến việc cầm hộ, giữ hộ hàng hóa ở sân bay đã bị bắt và khởi tố vì vận chuyển hàng cấm xảy ra. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng mình không biết, nên không có tội và vô tư cầm hộ, cầm giúp hàng hóa cho người khác.
Cho đến khi bị bắt để chứng minh cầm hộ, giữ hộ cũng cực kỳ khó khăn. Thậm chí trong quá trình tố tụng sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức để chứng minh mình “vô tội”. Để tìm được chứng cứ rõ ràng chứng minh mình vô tội lại càng khó khăn hơn.
Thực tế để chứng minh là cầm hộ, cầm hộ ai, trả hàng hóa cho ai như thế nào sẽ rất khó khăn nếu như vụ việc bị bại lộ, bị công an bắt giữ. Các đối tượng chủ sở hữu mua bán hàng cấm có thủ đoạn, hành vi rất tinh vi, xảo quyệt và phòng ngừa cả phương án bị lộ nếu có. Vì thế gần như nạn nhân sẽ không có bất cứ thông tin gì về đối tượng nhờ, hoặc các thông tin rất mờ nhạt, không rõ ràng, thậm chí là thông tin giả.
Đối với các công ty, đơn vị vận chuyển hàng hóa chuyên nghiệp, họ không có trách nhiệm, thẩm quyền để kiểm tra hàng hóa. Tuy nhiên, họ có cách thức kiểm tra, theo dõi những đơn hàng, ghi nhận lại việc vận chuyển hàng hóa và có điều khoản khách hàng tự chịu trách nhiệm về hàng hóa.
Những trường hợp thuộc đơn vị vận chuyển, có hóa đơn vận chuyển, thanh toán phí vận chuyển thì có căn cứ để chứng minh mình không buộc phải biết hàng hóa trong đó là gì. Khách hàng phải cam kết không vận chuyển hàng cấm. Trừ những trường hợp biết là hàng cấm nhưng cố tình vận chuyển thì vẫn có vai trò đồng phạm.
“Tuy nhiên, với những người dân thường thì khi cầm hộ hàng hóa cho ai, bản thân phải biết chắc chắn đó là loại hàng hóa gì. Bên cạnh đó, phải có thông tin rõ ràng của hàng hóa, thậm chí bạn phải kiểm tra kỹ hàng hóa trước khi nhận vận chuyển hộ”, Luật sư cho hay.
Đối với những người lạ, không quen biết, hàng hóa có nghi vấn, khó kiểm tra bằng mắt thường thì tốt nhất không nên vận chuyển, từ chối nhận cầm giúp. Bởi pháp luật Việt Nam quy định rõ ràng đối với người không có chức năng kinh doanh vận chuyển hàng hóa, người dân buộc phải biết hàng hóa mình vận chuyển là gì.
"Nếu trường hợp vô tình vận chuyển hàng cấm thì người vận chuyển sẽ đồng phạm với người chủ sở hữu hàng hóa, người thuê,… với vai trò là đồng phạm giúp sức. Nhất là đối với hàng hóa ma túy, khung hình phạt rất nặng, người vận chuyển thường được hưởng lợi không nhiều nhưng khung hình phạt trong các tội phạm về ma túy có thể lên đến chung thân, tử hình", Luật sư nhấn mạnh.