Đổi thay ở Rào Tre

HẠNH NGUYÊN 19/03/2023 08:20

Sau hơn 30 năm hòa nhập với cộng đồng, cuộc sống của người Chứt ở bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đã có nhiều đổi thay.

Xóa bỏ hôn nhân cận huyết, trẻ em bản Rào Tre khỏe mạnh, phát triển tốt hơn.

Hậu quả từ hôn nhân cận huyết thống

Lần dở ký ức vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, cán bộ biên phòng ở bản Rào Tre cho biết, trong lúc tuần tra biên giới Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phát hiện khoảng 20 người dân tộc Chứt sống trong hang động trên dãy Trường Sơn thuộc biên giới Việt - Lào. Năm 1991, lực lượng biên phòng đưa bà con về định cư tại bản Rào Tre, xã Hương Liên cho đến nay.

Dân tộc Chứt trước đây sống du canh, du cư, sinh sống bằng nghề săn bắt, hái lượm, quần áo kết bằng lá cây. Cuộc sống ở rừng sâu không tiếp xúc với ai, nên trước đây, việc hôn nhân của đồng bào dân tộc Chứt rất đơn giản.

Khi chàng trai thích cô gái nào trong bản chỉ cần lên rừng chặt một bó củi vác về đặt trước cổng nhà gái. Nếu đồng ý, gia đình nhà gái vác bó củi vào đốt lửa, rồi ngay tối đó, chàng trai khăn gói sang nhà cô gái ở cho hết thời hạn quy định thì cả hai dắt nhau về nhà chồng, dựng nhà cửa rồi sống với nhau, bất kể việc đôi trai gái đó có chung huyết thống.

Những năm đầu định cư ở bản Rào Tre, bà con dân tộc Chứt sống khép kín, hôn nhân cũng quẩn quanh trong bản. Tình trạng con anh lấy con em, họ hàng lấy nhau khá phổ biến. Do hôn nhân cận huyết thống dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, trẻ em sinh ra từ 1 đến 3 tuổi chết chiếm khoảng 20%, trẻ em bị dị tật khá nhiều.

Nỗ lực của bộ đội biên phòng

Giờ thì bản Rào Tre không còn nằm ép mình dưới chân núi Ka Đay mà đã vươn ra nhiều điểm sinh sống, dân bản gọi là bản mới và bản cũ. Tổ công tác bản Rào Tre - Đồn Biên phòng Bản Giàng (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) xem việc xóa dần hôn nhân cận huyết thống, bảo tồn dân tộc Chứt ở bản Rèo Tre là nhiệm vụ cấp bách. Biên phòng phối hợp với địa phương vận động dân hiểu tác hại của hủ tục này.

Tháng 9/2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt Đề án phát triển đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre đến năm 2020. Đề án khuyến khích, hỗ trợ người Kinh và các dân tộc khác kết hôn với người dân tộc Chứt, mỗi cặp vợ chồng ngoại tộc cưới nhau sẽ được tỉnh cấp đất phục vụ sinh hoạt, canh tác và hỗ trợ tiền mặt 30 triệu đồng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh hỗ trợ 20 triệu đồng.

Song song với vận động thì đồn biên phòng gương mẫu thực hiện trước, vận động chiến sĩ của đồn là anh Lê Xuân Công kết hôn với chị Hồ Thị Mai, một người con dân tộc Chứt tại bản Rào Tre. Năm 2015, đám cưới “xé rào” hủ tục đầu tiên đã diễn ra giữa cô gái người Chứt Hồ Thị Mai với chàng trai người Kinh Lê Xuân Công.

Tiếp sau đó, là đám cưới của 2 cặp đôi con trai người Kinh kết hôn với 2 cô gái dân tộc Chứt. Đám cưới được Đồn Biên phòng đứng ra chăm lo xe đưa đón dâu, hỗ trợ mỗi đám 20 triệu đồng, tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng.

Ở huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cũng có một bộ phận người Chứt sinh sống, có nhiều nét tương đồng với văn hóa và phong tục tập quán của dân tộc Chứt ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Tổ công tác bản Rào Tre của Đồn Biên phòng Bản Giàng đã dẫn các chàng trai, cô gái dân tộc Chứt ở bản Rào Tre vào giao lưu với các chàng trai cô gái dân tộc Chứt, Tuyên Hóa, Quảng Bình. Kết quả là đã có hai đôi thành vợ thành chồng sau những lần gặp gỡ giao lưu, hò hẹn này. Đến khi tình yêu đơm hoa kết trái thì các chiến sĩ biên phòng lại tất bật đứng ra tổ chức kết duyên cho các đôi trai gái.

Nhờ sự nỗ lực của chính quyền, bộ đội biên phòng và các đoàn thể, từ năm 2015 đến nay, đã có 8 đám cưới có dâu, rể ngoài bản Rào Tre, góp phần chấm dứt tình trạng hôn nhân cận huyết của người Chứt ở nơi này.

Vận động tuyên truyền xóa bỏ hủ tục

Đến thăm ngôi nhà mới khang trang của gia đình anh Hồ Xuân Nam - Trưởng Ban Công tác Mặt trận bản Rào Tre, người tiên phong lấy vợ dân tộc Chứt ở Quảng Bình, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay của người dân nơi đây. Ngôi nhà được trang bị đầy đủ tiện nghi như xe máy, tivi, tủ lạnh… Từ chỗ “vượt rào” hôn nhân cận huyết, gia đình anh Nam vươn lên từ hộ nghèo thành cận nghèo. Từ kinh nghiệm của bản thân, anh Nam tuyên truyền, vận động bà con dân bản tăng gia sản xuất, xóa bỏ hủ tục, tập trung phát triển kinh tế.

“Việc tuyên truyền, vận động bà con trong bản xóa bỏ hủ tục, đẩy mạnh sản xuất có gặp nhiều khó khăn không?”. Anh Hồ Xuân Nam trả lời: “Không khó, mỗi khi có chủ trương, tôi đến tận nhà nói cho bà con rõ, chỉ cho bà con làm”.

Trung tá Nguyễn Văn Thiên - Tổ trưởng Tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre (Đồn Biên phòng Bản Giàng) cho biết: Nỗ lực tuyên truyền, vận động của lực lượng biên phòng cùng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp đã góp phần xóa bỏ hủ tục hôn nhân cận huyết ở bản Rào Tre. Cuộc sống của bà con dân bản vì thế đã có nhiều đổi thay.

Ông Đinh Văn Sánh - Chủ tịch UBND xã Hương Liên cho biết, nhờ nỗ lực tuyên truyền và có chính sách khuyến khích trai, gái trong bản lấy người Kinh hoặc người ở bản Cà Xèng ở xã Thanh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình, nên nhiều năm nay đã chấm dứt tình trạng hôn nhân cận huyết thống ở bản Rào Tre. Tuy nhiên vẫn còn đó nỗi lo khi Rào Tre đang xuất hiện tình trạng mất cân bằng giới tính, nam nhiều gấp 3 lần nữ nên thời gian tới, hôn nhân cận huyết có thể sẽ tái diễn.

Ông Sánh cũng cho biết, xã đã nhiều lần đề xuất làm một con đường khoảng 15km xuyên giữa rừng nối bản Rào Tre với xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) - nơi có đồng bào dân tộc thiểu số ở bản Cà Xèng. “Việc người dân tộc thiểu số dễ nói chuyện, giao lưu với nhau rồi tiến tới hôn nhân sẽ dễ dàng hơn”, ông Sánh nói.

Nếu con đường được khơi thông, hôn nhân cận huyết ở bản Rào Tre sẽ không còn là nỗi lo…

HẠNH NGUYÊN