Đồng bằng sông Cửu Long: Mùa khô lại lo 'khát' nước sạch
Vào mùa khô, người dân nhiều vùng ven biển các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại lo thiếu nước sạch phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.
Nước giếng khoan nhiễm phèn
Bà Huỳnh Thị Hơn (80 tuổi, trú xã Khánh Bình Đông huyện Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau) cho biết, trước đây, bà thường xuyên phải đi đổi nước ngọt mới có nước để dùng. Nay tuổi đã cao, việc đi lại khó khăn nên bà Hơn đã tìm cách khoan giếng nhưng sau gần cả chục lần khoan, chỉ được 1 điểm có mạch nước lợ. “Thiếu nước ngọt nên các sinh hoạt từ nấu ăn đến tắm giặt đều chật vật. Tình trạng này kéo dài đã nhiều năm. Người dân ở đây khát nước sạch lắm, chỉ mong nhà nước đầu tư hạ tầng để kéo nước sạch về đây” - bà Hơn chia sẻ.
Ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho thấy, nhiều nơi người dân không có nước sạch sinh hoạt vào mùa khô. Nhiều người tìm mọi cách để khoan giếng nhưng không hiệu quả. Bí bách, họ buộc phải đi mua nước sạch để phục vụ sinh hoạt. Tình trạng này kéo dài hàng chục năm nay nên người dân rất cần chính quyền đầu tư mạng lưới hạ tầng để cung cấp nước sinh hoạt, phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.
Ông Từ Thanh Tùng - Trưởng ấp Minh Hà B, xã Khánh Bình Đông cho biết: “Trên địa bàn ấp có 160 hộ, nhưng tới 59 hộ thiếu nước sạch. Số còn lại, bà con sử dụng nước giếng khoan, tình trạng này kéo dài khoảng 30 năm nay. Mặc dù khoan giếng rất tốn kém nhưng cũng không dễ tìm được nguồn nước ngọt”.
Theo ông Tùng, nước giếng khoan ở địa phương chỉ được người dân dùng để rửa chén đĩa, chứ không sử dụng để nấu ăn được. Muốn nấu ăn, bà con phải trữ nước mưa hoặc mua nước lọc để sử dụng.
Tương tự, nhiều địa phương ven biển Bạc Liêu cũng đang cùng cảnh “khát” nước sạch, phải thường xuyên sử dụng nguồn nước giếng khoan bị nhiễm phèn, mặn.
Bà Lâm Thị Sang (trú ấp 17 xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) chia sẻ, hầu hết người dân đều phải dùng nước sinh hoạt từ giếng khoan, bơm lên bằng motor điện hàng chục năm nay. Tuy nhiên, ở đây không nhà nào có thể dùng nước giếng khoan để ăn uống vì nước bẩn và có phèn. Nước bơm lên chỉ dùng để tắm, giặt.
Nghịch lý hơn là tại phường Nhà Mát, chỉ cách trung tâm TP Bạc Liêu vài km mà có hàng trăm hộ dân ở khóm Chòm Xoài, khóm Bờ Tây vẫn chịu cảnh “khát” nước sạch hàng chục năm qua. Do nguồn nước ngầm bị sụt giảm, nên mỗi lần muốn bơm nước lên ông Nguyễn Văn Ên ở khóm Bờ Tây phải “chăm mồi nước” từ 3 đến 4 xô nước đã để sẵn. “Đa phần nước giếng ở đây khoan sâu xuống đất vài chục mét nhưng đều bị nhiễm phèn” - ông Ên cho biết.
Nỗi lo nguồn nước kém chất lượng
Theo nhiều bà con ở xã Vĩnh Hậu A, huyện Hoà Bình, phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu, vào đầu mùa khô nguồn nước bơm lên khá dễ dàng, nhưng càng về sau, nguồn nước càng khan hiếm, bị nhiễm phèn nặng khiến cho các dụng cụ chứa nước đều ố vàng. Việc sử dụng nguồn nước không đảm bảo khiến sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Được biết, nguồn nước ngầm khan hiếm và bị ô nhiễm một phần là do bị ảnh hưởng bởi các điều kiện tự nhiên, một phần do thời gian qua, nhiều hộ nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn khoan giếng để khai thác nguồn nước ngầm phục vụ nuôi tôm. Tuy nhiên, sau khi các hộ dân thôi sử dụng, ngừng nuôi, các giếng khoan này không được xử lý đúng cách khiến cho nguồn nước ô nhiễm nặng. Thực trạng này người dân cũng đã nhiều lần kiến nghị và trình báo với các cấp có thẩm quyền nhưng đến nay vẫn chưa có hướng xử lý.
Nhiều cụm, tuyến dân cư ở các xã ven biển ở Bạc Liêu tuy đã được đấu nối hệ thống nước máy từ các trạm cấp nước sạch công cộng nhưng trên thực tế, vẫn còn rất nhiều hộ dân chưa thể tiếp cận được với hệ thống nước sạch.
Ông Trần Minh Trơn (ấp 16 xã Vĩnh Hậu A) cho biết: “Mỗi lần bơm nước giếng khoan lên nước đều bốc mùi hôi của phèn, thậm chí còn đóng váng. Nhà tôi có cháu nhỏ, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe nên hàng tháng gia đình tôi vẫn phải dành ra một khoản tiền mua nước đóng bình (loại 20 lít) về dùng”.
Theo thống kê của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bạc Liêu, toàn tuyến ven biển Bạc Liêu có 12 trạm cấp nước sạch, cấp nước cho hơn 7.100 hộ dân. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch còn thấp. Điều đáng nói, mặc dù cách trung tâm xã không quá xa nhưng đã mấy chục năm qua nhiều hộ dân vẫn phải chật vật với vấn đề nước sạch.
Tình hình khan hiếm nước sạch cũng diễn ra tương tự tại tỉnh Cà Mau. Theo ông Trần Anh Phương - Phó Trưởng phòng cấp Nước và Kế hoạch Kỹ thuật, Trung tâm Nước sạch tỉnh Cà Mau cho biết, hiện trên địa bàn còn rất nhiều nơi thiếu nước sạch sinh hoạt. “Khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu vốn đầu tư. Hiện địa phương chỉ có 17,47% số hộ dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung, nhưng theo quy định về nông thôn mới thì phải đạt từ 40% trở lên. Để đạt mục tiêu này, tỉnh Cà Mau cần nguồn kinh phí lớn để đầu tư với khoảng 1.000 tỷ đồng” - ông Phương nói.
Ông Phương cho biết, Cà Mau đã đề xuất với Trung ương xin vốn đầu tư, mở rộng hệ thống cấp nước. Tuy nhiên, đến nay việc đầu tư vẫn hạn chế. “Sắp tới tỉnh sẽ có nguồn vồn từ Bộ NN&PTNT phân bổ để đầu tư hệ thống nước sạch khoảng 200 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh đối ứng hơn 70 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2025 – 2030, hiện đã có đoàn đi khảo sát thực địa và Bộ NN&PTNT cũng đã có kế hoạch vốn” - ông Phương thông tin thêm.