Cảnh giác với chiêu lừa 'mang đồ hộ'

LÊ ANH 20/03/2023 08:30

Việc 4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines bị tạm giữ vì “xách tay” hơn 10kg ma túy từ Pháp về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM) gây xôn xao dư luận, hiện đang chờ kết luận chính thức của cơ quan chức năng. Tuy nhiên thực tế đã có nhiều vụ việc “mang đồ hộ” tại sân bay, với nhiều bài học rất đắt giá.

Quang cảnh họp báo của Cục Hải quan TPHCM ngày 17/3 liên quan đến vụ 4 tiếp viên hàng không vận chuyển ma túy qua đường sân bay.

Lãnh án tù vì xách hàng hộ

Tháng 12/2014 có 1 người đàn ông tên Trần Quốc Huẩn đến cơ quan điều tra khai nhận được người quen có tên Đặng Tuấn Vinh (SN 1975, trú TPHCM) nhờ vào sân bay đón hành lý giúp. Hãng hàng không cũng xác nhận có 2 vali của 1 người gửi từ Canada về Việt Nam như thông tin trình báo của ông Huẩn. Tuy nhiên, khi kiểm tra đã phát hiện các vali này đều chứa ma túy. Trong đó, kết quả giám định cho thấy các viên nén trên là chất tenamfetamine (MDA) có hàm lượng trung bình là 9,8%, với tổng trọng lượng 14,857g ma túy.

Quá trình điều tra sau đó, ông Vinh được mời làm việc, khai nhận vụ việc được một người khác là Phạm Ngọc Lâm (SN 1970, quốc tịch Canada) nhờ nhận số hành lý trên nhưng không ngờ đó là các vali chứa ma túy. Khi vụ án này được đưa ra xét xử, ông Đặng Tuấn Vinh và Phạm Ngọc Lâm bị Tòa án nhân dân (TAND) TPHCM tuyên phạt các mức án 20 năm tù và tù chung thân cùng về tội “vận chuyển trái phép chất ma túy”. Đáng chú ý, trong suốt quá trình xét xử, bị cáo Lâm luôn kêu oan cho rằng mình không phải chủ nhân của 2 vali và cũng không phải người ký tên gửi vali nhưng hành vi của bị cáo có đầy đủ bằng chứng của tội “vận chuyển trái phép chất ma túy”.

Tháng 4/2016, TAND cấp cao tại TPHCM cũng xét xử phúc thẩm, tuyên y án tử hình đối với bị cáo Phạm Trung Dũng (40 tuổi, Việt kiều Úc) về tội “vận chuyển trái phép chất ma túy”. Theo hồ sơ vụ án, vào tháng 4/2013, khi ông Dũng cùng vợ con từ Úc về Việt Nam thăm gia đình ở quận Bình Thạnh (TPHCM). Sau thời gian thăm gia đình và trở lại Úc, tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, các hành lý của ông Dũng được lực lượng hải quan sân bay phát hiện có 2 gói nilon chứa gần 3,5kg ma túy được quấn giấy bạc và ép mỏng vào xung quanh thành của 2 vali. Quá trình điều tra và tại tòa, ông Dũng đều một mực khai rằng không hề biết hành lý có ma túy mà chỉ xách giúp, vận chuyển hộ hành lý cho một người đàn ông tên Kiên (không rõ lai lịch), với tiền công là 40.000 đôla Úc.

Bài học đắt giá

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tâm (Đoàn Luật sư TPHCM), trong nhiều vụ án bị xét xử về tội danh “vận chuyển trái phép chất ma túy” thì các bị cáo có liên quan đều xuất phát từ việc do không am hiểu pháp luật hoặc động cơ ban đầu được một số đối tượng ở trong nước hoặc nước ngoài nhờ mang dùm hành lý “xách tay” qua sân bay, với tiền công hậu hĩnh được các đối tượng chi trả. Thế nhưng, trong hầu hết các vụ việc thì những người xách giùm đồ cá nhân, hành lý xách tay có chứa ma túy hoặc các chất cấm đều phải liên đới chịu các hình phạt tù nghiêm minh của pháp luật.

Trong vụ 4 tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines vừa bị tạm giữ liên quan đến vụ chuyển hơn 10kg ma tuý từ Pháp về Việt Nam, Cục Hải quan TPHCM tổ chức họp báo thông tin về vụ việc vào chiều 17/3.

Ông Nguyễn Hữu Nghiệp - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM cho biết, cả 4 tiếp viên trên chuyến bay VN10 từ Pháp về TPHCM vào ngày 16/3 đã được lực lượng Hải quan sàng lọc, soi chiếu một số vali và nghi vấn có chất cấm. Kết quả chính thức sau đó, cơ quan chức năng phát hiện tang vật gồm 8kg thuốc lắc và 3kg ketamin nên đã được chuyển giao vụ việc cho Công an TPHCM để điều tra, xử lý theo quy định.

Ngày 19/3, Công an TPHCM cho biết, vụ việc đang được Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC04) Công an TPHCM phối hợp cùng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an và Cục Hải quan TPHCM mở rộng điều tra.

Không chỉ qua vụ việc 4 tiếp viên hàng không “mang hộ” chất cấm qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vừa được phát hiện, về phía Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM) cũng đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng nhiều người phạm tội vận chuyển ma túy một cách đáng tiếc chỉ vì giúp người khác mang đồ, chuyển quà qua đường hàng không. Thậm chí, trong các thông báo, lãnh đạo của Hải quan sân bay đã thông báo chi tiết về hành vi: “Khi tới sân bay, nếu không phải đồ của mình thì không được cầm dưới mọi hình thức”, thế nhưng vẫn xảy ra các vụ việc đáng tiếc kể trên.

LÊ ANH