Chánh án Nguyễn Hoà Bình: Giải quyết quá thời hạn do…năng lực của thẩm phán kém
Trách nhiệm của thẩm phán trong một số trường hợp những đơn chậm là do vấn đề năng lực, tinh thần trách nhiệm.
Sáng 20/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình. ĐB Trần Thị Thanh Hương (tỉnh An Giang) cho rằng, trong năm 2022, ngành Tòa án đã thụ lý số vụ và giải quyết tăng cao hơn so với năm trước 7,7%. Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ án giải quyết quá thời hạn so với luật định do nguyên nhân chủ quan. Bà Hương đề nghị Chánh án làm rõ nguyên nhân chủ quan và có giải pháp sớm khắc phục những vấn đề hạn chế liên quan đến nguyên nhân này?
Trả lời, theo Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình, nguyên nhân quá hạn do chủ quan có nhiều nguyên nhân. Trong đó có việc công việc quá nhiều cùng một lúc, giải quyết số lượng các vụ việc ở nhiều địa phương vượt gấp 2 quy định. Cho nên ảnh hưởng tới thời hạn giải quyết vụ án.
Tuy nhiên về cơ bản, tình trạng giải quyết án quá hạn thì trong báo cáo hàng năm Quốc hội đã xem xét, đến nay đã được khắc phục. Số lượng các vụ việc giải quyết án quá hạn mỗi năm dưới 200 vụ, khắc phục cơ bản tình trạng này.
Ông Bình cũng thừa nhận bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân chủ quan do năng lực của thẩm phán kém, trách nhiệm của thẩm phán trong một số trường hợp những đơn chậm là do năng lực, tinh thần trách nhiệm. Những nguyên nhân này sẽ được tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Liên quan đến việc vẫn còn một số tình trạng như án hành chính chưa được thực thi, hoặc thực thi không nghiêm túc, vẫn còn tình trạng nể nang, Chánh án Bình cho biết, có hiện tượng nể nang, né tránh tuy nhiên số lượng không nhiều. Đại đa số cán bộ trong ngành đều chấp hành nghiêm, xử lý đúng theo các quy định pháp luật.
Còn các tồn tại, hạn chế xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như việc chuẩn bị tài liệu của các bên không đủ, làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử. Luật quy định UBND các cấp phải cung cấp tài liệu, tuy nhiên trong thực tế việc cung cấp tài liệu này không đủ, không đảm bảo. Một nguyên nhân khác là sự tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên tòa hành chính còn rất hạn chế.
“Để hạn chế tình trạng cả nể, nâng cao chất lượng xét xử án hành chính, cần thực hiện, đối với vụ án kiện ở huyện thì giao tỉnh xử lý, vụ án của tỉnh thì giao tòa chuyên biệt xử”, ông Bình cho hay.