Nhà đầu tư 'rót tiền' vào công nghiệp chế biến, chế tạo
Không chỉ ghi nhận sự hấp dẫn về môi trường đầu tư tại Việt Nam nói chung, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt chú trọng và “rót tiền” vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong năm 2022 đạt gần 27,72 tỷ USD. Trong đó, mức giải ngân đạt kỷ lục 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng 2 tháng đầu năm 2023, tính đến ngày 20/2, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần... đạt 3,1 tỷ USD. Mặc dù, vốn đầu tư của FDI trong 2 tháng đầu năm không tăng, thậm chí là giảm, tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, ảnh hưởng từ những khó khăn của kinh tế thế giới nên hiệu quả thu hút vốn FDI không đạt như kỳ vọng, song Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn dòng vốn ngoại.
Theo ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp (DN) châu Âu tại Việt Nam (EuroCham): “Dù tình hình kém tích cực có thể tiếp tục vào năm 2023, nhưng điều này không nên được coi là nguyên nhân gây lo ngại.
Trên thực tế, cơ hội kinh tế của Việt Nam tiếp tục vượt xa các đối thủ cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Điều này thể hiện rõ qua việc rất nhiều thành viên của EuroCham coi Việt Nam là trung tâm trong chiến lược đầu tư toàn cầu của họ”.
Ông Cany cũng cho biết, để hiểu rõ hơn về thị trường Việt Nam, EuroCham mời hơn 1.300 thành viên đang hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, cung cấp phản hồi hàng quý về môi trường kinh doanh của Việt Nam và đưa ra dự báo tình hình kinh doanh quý tiếp theo. Kết quả, 41% số người được hỏi cho biết công ty của họ đang chuyển hoạt động sang Việt Nam, tăng từ 13% trong quý 3. Khoảng 35% số người được hỏi cho rằng Việt Nam thuộc top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu, với 12% cho rằng Việt Nam là điểm đầu tư quốc tế hàng đầu của các DN ngoại.
“Rõ ràng, với nguồn vốn FDI, nền tảng kinh tế vững chắc và cam kết bền vững của Việt Nam, Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến đầu tư hàng đầu trên thế giới. Nhờ đó, cộng đồng DN châu Âu vẫn tin tưởng vào thị trường Việt Nam” - ông Cany chia sẻ thêm.
Không chỉ ghi nhận sự hấp dẫn về môi trường đầu tư tại Việt Nam nói chung, nhiều nhà đầu tư ngoại đặc biệt chú trọng và “rót tiền” vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, trong 2 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào 17 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Đáng lưu ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 2,17 tỷ USD, chiếm 70,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm gần 30%) và điều chỉnh vốn (chiếm 63,9%). Xét về ngành thu hút lượng lớn vốn FDI, theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), trong năm 2022, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 14,96 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh, ngành công nghiệp chế tạo là nền tảng và động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. Ngành công nghiệp chế tạo còn tạo sức hấp dẫn, thu hút lượng lớn nguồn vốn FDI, thể hiện ở vốn FDI vào ngành thường chiếm tỷ lệ cao nhất về số dự án và vốn đăng ký, nhất là trong các ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như viễn thông; điện tử, công nghệ thông tin; sản xuất thép; xi măng; dệt may; da giày...
Bàn về thu hút vốn FDI chất lượng cao, TS Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng nâng cao chất lượng dự án FDI vào Việt Nam trong giai đoạn tới là đòi hỏi khách quan và cần được triển khai bằng việc tổ chức thực hiện nghiêm các mục tiêu tổng quát. Thứ nhất, tiêu chí về công nghệ và chuyển giao công nghệ nhằm thực hiện định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng cao. Trong đó, xác định rõ tiêu chí dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao... Tiêu chí chuyển giao công nghệ cần được đặt lên hàng đầu để hướng đến các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao từ các tập đoàn xuyên quốc gia. Thứ hai, tiêu chí về môi trường nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Theo TS Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, chúng ta đã xác định không thu hút vốn FDI bằng mọi giá nên cần nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, môi trường, tài nguyên... phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến lao động, như đảm bảo đời sống cho người lao động trong các doanh nghiệp FDI; xây dựng các tiêu chí nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam thông qua hợp tác đầu tư nước ngoài.