Núi lửa Merapi 'thức giấc'

Bảo Thư 21/03/2023 07:13

Ngày 20/3, Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia Indonesia, trận núi lửa Merapi phun trào trước đó 9 ngày đã phun ra những đám mây tro nóng và hỗn hợp đá, dung nham và khí di chuyển tới 7 km xuống sườn núi.

Cột khói khổng lồ trong vụ núi lửa “thức giấc” ở Indonesia. Nguồn: Weather.com

Bà Hanik Humaida - người đứng đầu Trung tâm giảm thiểu rủi ro địa chất và núi lửa của Yogyakarta, cho biết Merapi là ngọn núi cao 2.968 mét, cách Yogyakarta khoảng 30km, từng là một trung tâm văn hóa cổ xưa của người Java và là nơi ngự trị của các triều đại hoàng gia trong nhiều thế kỷ. Merapi cũng là ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất trong số hơn 120 ngọn núi lửa đang hoạt động ở Indonesia và đã nhiều lần phun trào dung nham và các đám mây khí trong thời gian gần đây.

Trong khi đó, Đài quan sát núi lửa Merapi của Indonesia cho biết đã ghi lại được những hình ảnh cho thấy nham thạch phun trào từ miệng núi lửa Merapi, gây ra cột tro bụi cao khoảng 1.300 mét hướng lên bầu trời trong đêm 17/3. Trước đó, ngày 11/3, nó cũng đã phun trào, gây ra cột tro bụi cao khoảng 3.000 mét. Mưa bụi đã bao phủ ít nhất 8 làng xung quanh khu vực núi lửa. Dòng dung nham trượt dài 1,5 km, trong khi cột mây tro nóng bốc cao 100 mét và bay xa tới 7 km về phía dưới sườn núi. Ít nhất 5 vụ lở đất đá trên núi đã xảy ra.

Theo các chuyên gia nghiên cứu về núi lửa, Merapi đang trong giai đoạn hoạt động nhiều nhất kể từ năm 2021. Lần núi lửa Merapi phun trào lớn xảy ra gần nhất là vào năm 2010, khiến 300 người thiệt mạng và khoảng 280.000 người phải sơ tán. Trước đó, đợt phun trào vào năm 1930 đã khiến khoảng 1.300 người thiệt mạng và đây cũng là đợt Merapi phun trào mạnh nhất từng được ghi nhận.

Indonesia còn gọi là “quốc gia vạn đảo” với hơn 270 triệu dân, dễ xảy ra động đất và hoạt động núi lửa do nằm dọc theo Vành đai lửa Thái Bình dương. Quốc gia này có hơn 16.000 đảo lớn nhỏ, trong đó hơn 5.000 đảo có người sinh sống. Rất nhiều hòn đảo của đất nước này được hình thành từ những đợt núi lửa phun trào từ hàng chục nghìn năm trước và Java chính là một trong những hòn đảo như vậy. Đây là hòn đảo lớn thứ 5 tại Indonesia, nhưng lại là đảo đông dân nhất với 145 triệu người, chiếm đến 60% dân số đất nước. Tại Java có đến 38 ngọn núi lửa, tạo thành một “xương sống” theo hướng Đông - Tây. Núi lửa cao nhất tại Java là Semeru, cao 3.676m.

Tuy rằng thảm họa do lúi lửa phun trào gây ra là khủng khiếp, nhưng khi nó “yên nghỉ” thì lại tạo ra một khung cảnh thiên nhiên cực kỳ khác biệt, từ đó hình thành nên những khu du lịch luôn thu hút đông người lui tới. Đặc biệt, bình minh nơi đây là một khung cảnh vô cùng quyến rũ mang vẻ đẹp của thuở hồng hoang.

Bảo Thư