Liên kết vùng cần các giá đỡ về hạ tầng đô thị
Dù hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và khu vực Đông Nam bộ đã giúp thúc đẩy nhóm ngành mũi nhọn gồm du lịch, nông nghiệp, công nghệ cao và công nghiệp, thế nhưng hiệu quả liên kết vùng vẫn được đánh giá ở mức trung bình so với tiềm năng cũng như lợi thế kết nối về cơ sở hạ tầng hiện nay.
UBND TPHCM vừa chủ trì Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM với các tỉnh vùng Đông Nam bộ. Theo ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM, chương trình hợp tác TPHCM và các địa phương Đông Nam bộ có kết quả rõ nét về đầu tư về hạ tầng, công nghiệp xúc tiến đầu tư và thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục... Hơn nữa, nhờ các hợp tác đã giúp các tỉnh như Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh thu hút được các dự án đầu tư quy mô lớn. Riêng tỉnh Bình Phước có gần 90 dự án của các doanh nghiệp TPHCM đầu tư, với với tổng số vốn đăng ký lên tới gần 5.900 tỷ đồng. Một tỉnh có nền công nghiệp phát triển khác như Đồng Nai cũng thu hút được 129 dự án có chủ đầu tư từ TPHCM, với tổng mức đầu tư đăng ký trên 3.319 tỷ đồng. Đáng chú ý, từ năm 2014 đến năm 2020 riêng tỉnh Tây Ninh ghi nhận việc thu hút được dòng vốn đầu tư khổng lồ từ TPHCM, với khoảng 7.131 tỷ đồng tại 42 dự án. Về các kết quả này, ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, TPHCM giữ vai trò trung tâm và quan trọng nhất trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác. Nhờ thu hút được nguồn lực từ các thành phần kinh tế của TPHCM đến đầu tư mà toàn vùng Đông Nam bộ đã nâng được chất lượng tăng trưởng và góp phần tăng thu ngân sách, tăng tỷ lệ giải quyết việc làm cho lao động ngay tại địa phương. Cũng từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của toàn vùng.
Dù đã có một số kết quả hợp tác quan trọng trong 5 năm gần đây, tuy nhiên hiệu quả liên kết vùng giữa TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ vẫn được đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương. Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TPHCM đưa ra nhận định, tiến độ thực hiện Quy hoạch phát triển giao thông vận tải của toàn vùng còn rất chậm, chưa đồng bộ với quy mô dân số và tương xứng với vị trí, vai trò đầu tàu về phát triển kinh tế của TPHCM. Trong đó, nếu đánh giá quy hoạch thực hiện từ năm 2013 đến nay thì tiến độ tổng quan chưa đến 50%. Nguyên nhân được chỉ ra rằng, theo liên kết vùng trong tổng thể quy hoạch thì TPHCM là đô thị hạt nhân, còn các đô thị vệ tinh độc lập, vệ tinh phụ thuộc nằm ở các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, sợi dây liên kết của hệ thống này gần như chưa có. Thực tế, các đô thị như Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Vũng Tàu, Tân An, Dĩ An,… chưa được coi là các đô thị vệ tinh của TPHCM mà có xu hướng trở thành những “cực tăng trưởng” độc lập, đối trọng với TPHCM. Về tốc độ phát triển hạ tầng, dù đã hình thành các quy hoạch Vành đai 3,4, các tuyến cao tốc như TPHCM - Trung Lương, Mộc Bài, Long Thành Dầu Giây nhưng hầu hết hạ tầng đang trong giai đoạn đầu tư hoặc đã đi vào hoạt động vẫn chung tình trạng bị quá tải. Trong khi đó, các tuyến quy hoạch chưa được xây dựng như Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Biên Hòa – Vũng Tàu, Bến lức Long Thành,…cũng chưa thể mường tượng được thời điểm có thể hoàn thành và đi vào vận hành.
Việc liên kết vùng thiếu các giá đỡ về hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông kết nối, cũng như các đô thị vệ tinh và cực tăng trưởng hỗ trợ khiến nhà đầu tư vào TP HCM và khu vực Đông Nam bộ vẫn phải chịu các chi phí cao về logistics, mặt bằng, chiếm từ 30-40% giá thành sản phẩm, trong khi tỉ lệ này ở các đô thị trong khu vực chỉ vào khoảng 15%. Liên kết vùng thiếu bền vững cũng đã và đang kéo giảm khả năng cạnh tranh thu hút đầu tư và xuất khẩu hàng hoá ngay tại khu vực này.