Hiểm họa từ món cá chép ủ chua
Ngày 20/3, trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, TS.BS Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, từ ngày 7/3 đến nay trên địa bàn huyện Phước Sơn đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm, liên quan đến việc dùng món cá chép ủ chua.
Theo đó, sáng 7/3, bà Hồ Thị Nh. (55 tuổi) ở xã Phước Đức, huyện Phước Sơn nấu thức ăn có món cá chép ủ chua là món ăn truyền thống của địa phương. Đến 13h cùng ngày, lần lượt các ông, bà Nguyễn Thị Th., Hồ Văn T., Trương Thị Th. và Hồ Thị Đ. có các triệu chứng đau đầu, người mệt mỏi, buồn nôn nên được đưa đến bệnh viện điều trị. Đến ngày 13/3, bà Nguyễn Thị Th. đã tử vong, 3 bệnh nhân còn lại hiện tại sức khỏe đã ổn định.
Tuy nhiên, tiếp đó, ngày 16/3, 5 người ăn trưa tại rẫy keo của một hộ dân, sau đó có 4 người bị ngộ độc thực phẩm, phải đưa đi cấp cứu điều trị. Đó là ông Hồ Văn Đ. (57 tuổi), anh Hồ Văn Đ. (26 tuổi), chị Hồ Thị M. (24 tuổi) và ông Hồ Thanh Ch., ở thôn 2, xã Phước Kim, huyện Phước Sơn. Được biết, các bệnh nhân cùng ăn các món trong đó có cá chép ủ chua. Đến 19h cùng ngày, 4 người trên có triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, nôn, bụng chướng, choáng nên được đưa đến Bệnh viện đa khoa Khu vực miền núi Bắc Quảng Nam cấp cứu, điều trị.
Tại bệnh viện, các bác sĩ đã làm các xét nghiệm và chẩn đoán các bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum. Ngay sau đó, bệnh viện đã đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ điều trị. Tiếp nhận đề nghị hỗ trợ, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định cử các chuyên gia hàng đầu về chống độc và hồi sức đến Quảng Nam.
“Các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy mang 5 lọ thuốc giải độc Botulinum, mỗi lọ thuốc hiện có giá trị hơn 6.000 USD ra hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân. Sau khi được sử dụng thuốc đặc trị giải độc Botulinum, hiện sức khỏe 3 bệnh nhân thở máy đã ổn định. Hiện các chuyên gia đang ở lại bệnh viện để tiếp tục theo dõi các bệnh nhân, cân nhắc thời điểm cần sử dụng thuốc giải độc” - BS Mười thông tin.
BS Mai Văn Mười khuyến cáo, người dân không nên sử dụng các món ăn được chế biến không đảm bảo vệ sinh, không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm như: Nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ, côn trùng...
Ông Đỗ Hoài Xoan - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, UBND huyện đã có văn bản gửi các cơ quan ban, ngành, đoàn thể huyện cùng Trạm y tế các xã, thị trấn về tăng cường công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện.
Cụ thể, yêu cầu UBND các xã, thị trấn chỉ đạo Trạm y tế các xã, thị trấn, các ban, ngành liên quan của xã tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh bảo, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm và các biện pháp phòng, chống nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen ăn uống không đảm bảo an toàn, nguy cơ cao ngộ độc thực phẩm, nhất là các loại thức ăn như: Gỏi sống, cá chua, tiết canh, gan động vật sống, mua thực phẩm không rõ nguồn gốc… nguy cơ cao dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
“Tuyên truyền bà con khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn như: Buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt, đau bụng… cần phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị, chuyển tuyến kịp thời, hạn chế thấp nhất ngộ độc thực phẩm dẫn đến tử vong” - ông Xoan nói.
“Chúng tôi đã đề nghị Trung tâm y tế huyện Phước Sơn tiếp tục rà soát các trường hợp liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm để phát hiện sớm, nếu có tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời, trường hợp có diễn biến nặng phải chuyển lên tuyến trên để điều trị. Đồng thời phối hợp với Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh và các đơn vị chức năng xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc để công khai kết quả kịp thời cảnh báo cho cộng đồng” - BS Mai Văn Mười cho biết.