Khi ngân hàng và bảo hiểm 'bắt tay'
Trong văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh trả lời kiến nghị của cử tri, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Không để xảy ra trường hợp nhân viên, đơn vị kinh doanh cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác, dễ gây hiểu lầm về trái phiếu cho nhà đầu tư để đạt chỉ tiêu kinh doanh. Nghiêm cấm hành vi ép buộc khách hàng mua bảo hiểm. Đáng tiếc, đây là câu chuyện không mới nhưng vẫn chưa chấm dứt.
Trước đó, ngày 15/2, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Công văn số 506 về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm. Tuy nhiên, dư luận vẫn bức xúc khi một số tổ chức tín dụng vẫn ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, tăng lãi suất/ép khách hàng tất toán khoản vay nếu hủy hợp đồng bảo hiểm. Đáng chú ý, nhiều nhân viên ngân hàng cung cấp thông tin không đầy đủ, rõ ràng về sản phẩm bảo hiểm; chuyển từ tiền tiết kiệm tại ngân hàng của khách hàng sang mua bảo hiểm nhân thọ…
Tới ngày 21/2, trước bức xúc của dư luận, Ngân hàng Nhà nước chính thức đưa ra quan điểm về việc các tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm. Yêu cầu khẩn trương rà soát, nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm trên toàn hệ thống, không để xảy ra trường hợp cán bộ/đơn vị kinh doanh ép khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Riêng đối với việc “gợi ý” mua trái phiếu, ngân hàng thương mại có trách nhiệm mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong trường hợp ngân hàng đó thực hiện hoạt động đại lý phát hành và có cam kết, ký hợp đồng với nhà đầu tư về việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành.
Có thể thấy, để ổn định tình hình, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục đưa ra các chỉ thị chấn chỉnh việc ép khách hàng mua bảo hiểm cũng như mua trái phiếu doanh nghiệp. Chưa hết, cơ quan giám sát của Ngân hàng Nhà nước còn phối hợp với cơ quan thanh tra của Bộ Tài chính nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm quản lý chặt chẽ các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp trong việc hợp tác bán sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng. Theo Bộ Tài chính, hiện tượng nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn hoặc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng; hoặc việc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay. Hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc “tự nguyện” được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
Để chấn chỉnh, Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ, chủ động cung cấp thông tin theo thẩm quyền và chuyển cơ quan điều tra khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Làm mạnh là vậy, nhưng tình hình vẫn chưa thể nói là đã ổn định. Trong tình thế hiện tại, nhiều ý kiến chuyên gia tài chính cho rằng việc cấm ngân hàng bán bảo hiểm là “bất khả thi”. Vì sao lại như vậy?
Trên thực tế, bảo hiểm được xem là “mỏ vàng” cho các ngân hàng, khi việc bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng giúp bên bảo hiểm khai thác những khách hàng lớn từ ngân hàng, giảm thiểu chi phí mở rộng; trong khi các ngân hàng gia tăng nguồn thu, tận dụng những khách hàng mua bảo hiểm để đẩy mạnh dịch vụ gửi tiết kiệm, cho vay qua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Vì thế, cùng với các chỉ thị của cơ quan quản lý nhà nước thì quan trọng phải là việc kiểm soát như thế nào để hoạt động này không bị biến tướng; quy định rõ việc không ràng buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng.
Đối với người vay tiền, đây là đối tượng dễ bị o ép nhất khi họ đang cần tiền gấp và hồ sơ không được “đẹp” lắm, nên đứng ở vị trí “cửa dưới”, dẫn đến phải chịu thỏa thuận mua bảo hiểm của ngân hàng. Đối với người gửi, nhóm này khó bị ép mua bảo hiểm hơn và thường nhân viên ngân hàng sẽ chỉ lấy tỷ lệ lãi suất cao ra làm “mồi nhử”.
Trong chuyện này, để hạn chế ở mức cao nhất thì cơ quan quản lý nhà nước phải chặn được việc ngân hàng bắt tay với các công ty bảo hiểm, hoặc các doanh nghiệp khi làm đơn vị trung gian phát hành trái phiếu. Nếu không làm được việc này cũng có nghĩa là không giải quyết được tận gốc của vấn đề. Vì nói như Thiếu tướng Trần Minh Chất - nguyên Phó giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, dưới góc độ pháp luật thì đây là thỏa thuận dân sự, khi mua bảo hiểm khách hàng phải đồng ý thì nhân viên ngân hàng mới bán được. Chuyện ngân hàng và bảo hiểm “bắt tay” bán bảo hiểm để hưởng phí không vi phạm pháp luật nhưng liên quan tới đạo đức kinh doanh khi sự bắt tay đó làm lợi cho ngân hàng và bảo hiểm, nhưng sẽ gây thiệt hại cho người dân.