Văn hóa là nguồn lực nội sinh để phát triển Thủ đô
Ngày 21/3, thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Tham dự hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học…
Hội thảo khoa học với các chuyên đề phân tích cụ thể các đặc tính và giá trị văn hóa Thăng Long – Hà Nội, các vấn đề khoa học và thực tiễn về văn hiến, văn minh, hiện đại trong quá trình phát triển thủ đô, đề xuất giải pháp phát huy các giá trị nguồn lực văn hóa nhằm triển khai thực hiện các Nghị quyết quan trọng liên quan đến phát triển Thủ đô Hà Nội.
Cụ thể hóa khát vọng phát triển Thủ đô
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định tầm quan trọng của hội thảo: “Hội thảo hôm nay là một trong những bước cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, những tư tưởng chỉ đạo quan trọng của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đặc biệt là của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc “Văn hóa thực sự là nền tảng, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế và các lĩnh vực trọng yếu khác của đất nước…”.
Đồng thời, hội thảo cũng nhằm tiếp tục triển khai các nội dung được thảo luận tại các Hội thảo khoa học do Trung ương tổ chức về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa ngày 17/12/2022 tại Bắc Ninh và về 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam ngày 27/2/2023 tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, kinh tế Thủ đô phục hồi và phát triển nhanh, tình hình dịch bệnh Covid–19 trên địa bàn thành phố cơ bản được kiểm soát. An ninh đảm bảo, văn hóa, du lịch hấp dẫn tạo môi trường thuận lợi để phát triển toàn diện về mọi mặt.
Đẩy mạnh phát triển sự nghiệp văn hoá
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, Thủ đô Hà Nội được biết đến là “Thành phố di sản”, với quỹ di sản văn hoá vô cùng phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có một di sản văn hóa thế giới, 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể.
Hà Nội có những di sản văn hóa vật thể vô giá, đó là những dấu tích của thành quách nguy nga, công trình kiến trúc tâm linh (đình, chùa, đền miếu, phủ…), tượng đài, công viên, vườn hoa, sông hồ… Hà Nội còn là “đất trăm nghề”, là địa bàn có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu, có khoảng 70 không gian sáng tạo và 1.095 lễ hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang bản sắc văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng, gắn liền với những câu chuyện lịch sử trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
“Hà Nội là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm", được biết đến là “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”..., thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO”. Đây chính là những tài sản vô giá để Thủ đô Hà Nội phát huy nguồn lực văn hóa, tiếp thêm sức sáng tạo cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, góp phần xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết.
Trong thời gian qua Thành ủy đã chỉ đạo, đôn đốc, nghiên cứu các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm tiến độ nhằm khơi thông nguồn lực cho Thủ đô; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, thúc đầy sản xuất.
Đồng thời, Thành ủy đã ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội và Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đất đai, tài nguyên, môi trường, trật tự đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn.