Thanh Hóa: Nhiều doanh nghiệp 'ngắc ngoải' vì PCCC!
Thời gian qua, nhiều vướng mắc trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã khiến các doanh nghiệp chậm tiến độ triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt có nhiều doanh nghiệp đã phải đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động... được các đại biểu hết sức đồng tình và quan tâm.
Sáng 21/3, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị Tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn ngân hàng; đồng thời tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng lần thứ 6 để kiện toàn Ban Chấp hành hiệp hội. Đông đảo các hiệp hội, hội doanh nghiệp, ngành hàng, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa (VCCI Thanh Hóa) và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã tham dự.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Đây là hội nghị nhằm mục đích tiếp nhận, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Các ý kiến của các cá nhân, tập thể sẽ được tổng hợp đầy đủ, báo cáo lãnh đạo tỉnh; đồng thời kiến nghị các vấn đề vượt thẩm quyền với các cơ quan Trung ương để tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã chia sẻ, kiến nghị một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến tình hình thị trường cung cầu hàng hóa, việc tiếp cận nguồn vốn ở một số lĩnh vực do thủ tục thẩm định khắt khe, đặc biệt là các lĩnh vực như bất động sản, du lịch; việc áp dụng quy định phòng cháy, chữa cháy (PCCC) mới khiến nhiều doanh nghiệp chưa kịp thích ứng và những vướng mắc trong lộ trình khắc phục; nguồn nguyên vật liệu phục vụ xây dựng và giao thông gặp khó về nguồn cung, giá cả biến động thất thường…
Các kiến nghị như: Ngành ngân hàng khi đánh giá về giá trị tài sản nhà, đất phải sát với giá trị thực tế của thị trường khi DN thế chấp tài sản vay tín dụng; xem xét, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch; tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các quy định về PCCC, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú và karaoke để chuẩn bị đón khách trong mùa du lịch sắp tới; Ngân hàng nên điều chỉnh hạ lãi suất để các doanh nghiệp hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giảm bớt khó khăn, gánh nặng về chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh… Đặc biệt, nhiều đại biểu nêu và đề xuất Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh kiến nghị UBND tỉnh và các cơ quan chức năng xem xét, tháo gỡ những khó khăn về công tác PCCC cho các doanh nghiệp. Thời gian qua, nhiều vướng mắc trong công tác PCCC đã khiến các doanh nghiệp chậm tiến độ triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt có nhiều doanh nghiệp đã phải đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động v,v... được các địa biểu hết sức đồng tình và quan tâm.
Tại hội nghị, lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, VCCI Thanh Hóa, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa đã chia sẻ, tiếp thu, giải trình một số nội dung liên quan thuộc thẩm quyền; đồng thời tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, ngành hàng để kiến nghị tại Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp năm 2023, do UBND tỉnh tổ chức, dự kiến vào ngày 31/3.
Được biết: Trong năm 2022, Hiệp hội phối hợp với VCCI Thanh Hóa khảo sát, lấy ý kiến doanh nghiệp đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị, thành phố (DDCI). Kết quả của cuộc khảo sát là cơ sở quan trọng để lãnh đạo tỉnh tìm ra những điểm nghẽn tại các sở, ban, ngành, địa phương; từ đó đề ra những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Cũng trong năm 2022, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã tham gia góp ý gần 50 văn bản liên quan đến các dự thảo đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của trung ương, của tỉnh. Những ý kiến tham mưu, góp ý của Hiệp hội trên cơ sở thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là cơ sở quan trọng để các cấp chính quyền tiếp thu, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật và ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã