Bến Tre: Xuất hiện tình trạng nghêu chết hàng loạt
Tại một số địa phương như huyện Bình Đại, Ba Tri của tỉnh Bến Tre, những ngày gần đây xuất hiện tình trạng nghêu chết hàng loạt.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bến Tre, nghêu nuôi ở các hợp tác xã thủy sản trên địa bàn huyện Bình Đại và Ba Tri có hiện tượng chết rải rác, gây thiệt hại không nhỏ cho các hợp tác xã.
Sau khi nhận được thông tin nghêu chết ở Hợp tác xã thủy sản Tân Thủy, xã Tân Thủy, huyện Ba Tri và Hợp tác xã thủy sản Rạng Đông, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, Chi cục Thủy sản Bến Tre đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Phòng NN&PTNT huyện Bình Đại, Ba Tri và UBND các xã Thới Thuận, Tân Thủy tiến hành khảo sát thực tế tình hình nghêu chết tại các hợp tác xã.
Ban Giám đốc Hợp tác xã thủy sản Tân Thủy cho biết, tại lô I, khu vực có nghêu chết khoảng 15ha, mật độ trung bình 97 con/m2, cỡ nghêu trung bình 85 con/kg. Hiện tại nghêu chết rải rác, tỷ lệ nghêu chết ước khoảng 9% (sản lượng trước khi nghêu chết ước khoảng 160 tấn). Tại lô II, khu vực có nghêu chết khoảng 20 ha, mật độ trung bình 48 con/m2, cỡ nghêu trung bình 95 con/kg, nghêu chết rải rác, tỷ lệ nghêu chết ước khoảng 8% (sản lượng trước khi nghêu chết ước khoảng 100 tấn).
Các yếu tố môi trường nước tại thời điểm khảo sát nằm trong ngưỡng thích hợp cho nghêu sinh trưởng và phát triển. Chi cục Thủy sản đã thu mẫu 1 nghêu gửi Trung tâm Quan trắc môi và Bệnh thủy sản Nam Bộ thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 phân tích tìm nguyên nhân.
Tại Hợp tác xã thủy sản Rạng Đông, khu vực nghêu đang chết tại bãi Bạch Long với diện tích khoảng 10ha, cỡ nghêu 90 - 100 con/kg, tỷ lệ chết ước khoảng 60%, sản lượng ước tính khoảng 72 tấn. Giá bán khoảng 11.000 - 12.000 đồng/kg, ước thiệt hại khoảng 700 triệu đồng. Các yếu tố môi trường nước tại thời điểm khảo sát nằm trong ngưỡng thích hợp cho nghêu sinh trưởng và phát triển. Riêng khí độc NH3: 0.4 mg/l vượt ngưỡng cho phép (≤0.01 mg/l). Chi cục Thủy sản Bến Tre đã thu mẫu 1 nghêu gửi Trung tâm Quan trắc môi và Bệnh thủy sản Nam Bộ thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 phân tích tìm nguyên nhân.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Thủy sản Rạng Đông Phạm Văn Thuận, hàng năm từ khoảng tháng 3 đến tháng 6 là chu kỳ hạn mặn, nắng nóng kéo dài. Do đó, nhằm đảm bảo cho sự sinh trưởng và phát triển của con nghêu trong mùa hạn mặn, nhất là duy trì hoạt động khai thác hiệu quả để sản lượng nghêu khai thác đạt kế hoạch đề ra, hợp tác xã tăng cường khai thác để san thưa mật độ nghêu, góp phần hạn chế thiệt hại trong trường hợp xảy ra thời tiết bất lợi cho nghêu.
Riêng đối với những vùng cao, hợp tác xã đem nghêu sang những vùng trũng hơn, nước ngập lâu hơn thì con nghêu sẽ thiệt hại ít hơn. Đây là những giải pháp mà hợp tác xã ưu tiên hàng đầu để tránh thiệt hại cho nghêu trong thời gian tới.