Bài học về cảnh báo bão ở Mozambique
Cơn bão Freddy hồi tuần trước tại Mozambique không gây thiệt hại lớn về người nhưng đã giúp cho thế giới “thấm thía” được bài học về công tác cảnh báo bão.
Chú trọng hệ thống cảnh báo
Vài ngày trước khi Bão Freddy tấn công Mozambique lần thứ hai vào ngày 11/3, những chiếc ô tô có loa phóng thanh đã di chuyển qua các đường phố của thị trấn cảng Quelimane để cảnh báo người dân di chuyển đến nơi trú ẩn trên vùng đất cao hơn với dự trữ thức ăn và nước uống. Hầu hết mọi người đã bắt đầu lưu tâm đến việc cảnh báo bão, kể từ những thiệt hại cay đắng mà những cơn bão như vậy có thể gây ra như trận bão Idai vào năm 2019 đã làm 600 người thiệt mạng.
"Chính quyền địa phương đến quanh khu phố để cảnh báo chúng tôi về mối nguy hiểm sắp xảy ra. Họ đã thổi còi báo động" - cô Amelia Antonio, cư dân Quelimane - nhớ lại.
Sự cảnh giác đó đã giúp người dân thị trấn Quelimane vượt qua một trong những cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào châu Phi. Mozambique cho đến nay đã ghi nhận 76 người chết, con số tương đối thấp so với các thảm họa tương tự trước đây.
Cô Antonio đã tránh được tổn hại về thể chất nhờ hệ thống cảnh báo sớm dựa vào cộng đồng ở Mozambique, hệ thống gửi tin nhắn văn bản, thông báo trên đài phát thanh và truyền hình địa phương. Cô còn được hướng dẫn tìm nơi trú ẩn tại một trường học địa phương, nơi cô vẫn đang trú ngụ cho đến giờ.
Bà Myrta Kaulard - điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Mozambique - cho biết: “Đó là một hệ thống cảnh báo có cấu trúc... xuống tận cấp làng. Mọi người phải di chuyển đến nơi trú ẩn và điều này đã cứu sống rất nhiều người".
Trong khi đó, tại nước láng giềng Malawi, bão Freddy gây hậu quả nặng nề hơn nhiều, ít nhất 447 người thiệt mạng, nó đã xé toạc mũi phía Nam của đất nước và làm ngập trung tâm thương mại chính của thành phố lớn nhất Malawi - Blantyre. Tại đây, các cảnh báo bão không nhất quán và thường không được cư dân chú ý, nhiều người nói với Reuters rằng, họ không biết phải đi đâu nếu rời khỏi nhà.
Tại Malawi, dù cảnh báo cũng đã được đưa ra khi bão Freddy di chuyển vào đất liền, nhưng rất nhiều người đã không nhận được chúng, trong đó có cô Madalo Makawa, cư dân của thị trấn đông dân cư Chilobwe tại Blantyre, một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão. Những người khác như anh Yohane Simbi cũng cho biết, họ không được thông báo về nơi trú ẩn và rất nhiều người vẫn ở trong nhà của mình khi cơn bão ập đến.
"Vừa nhìn thấy nước và đá chảy xuống từ trên núi, chúng tôi bắt đầu chạy. Mọi người la hét để được giúp đỡ, những người khác trèo lên cây” - cô Makawa nói.
Ông Felix Washon đến từ Hội Chữ thập đỏ Malawi cho biết, ở Malawi, lũ lụt thường xảy ra ở những vùng đất thấp. Điều này có nghĩa là bất kỳ ai ở vùng đồi đều nghĩ rằng họ an toàn mặc dù đài phát thanh, truyền hình và các thông báo trên mạng xã hội cảnh báo họ về cơn bão.
Khi đến thăm khu vực Blantyre bị bão tàn phá, Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên Michael Usi đã mô tả đây là một "thảm kịch quốc gia", dù cho biết, người dân đã được cảnh báo di dời trước đó.
Đô thị hóa phải bền vững
Theo dữ liệu của Liên hợp quốc (LHQ), Mozambique và Malawi nằm trong số 8% quốc gia nghèo nhất thế giới. Hơn một nửa dân số ở mỗi quốc gia sống dưới mức nghèo khổ. Sự tương phản giữa những gì đã xảy ra ở hai quốc gia Nam Phi là bài học cho một thế giới, nơi sự nóng lên toàn cầu và gia tăng dân số đã tạo ra những thị trấn đang phát triển dễ bị tổn thương trước những cơn bão hủy diệt do biến đổi khí hậu gây ra.
Khi những cơn bão này trở nên mạnh hơn, cần phải có các hệ thống cảnh báo phức tạp như Mozambique hiện đang sử dụng, và các thành phố đang phát triển như Blantyre sẽ phải giải quyết hậu quả từ các khu “ổ chuột”, kết quả của quá trình đô thị hóa thần tốc mà không có kế hoạch tạo ra.
Các nhà khoa học cho biết, biến đổi khí hậu do đốt nhiên liệu hóa thạch đang khiến các cơn bão nhiệt đới mạnh hơn. Đại dương đã hấp thụ phần lớn sự nóng lên do khí giữ nhiệt gây ra. Lượng nhiệt bổ sung này có thể thúc đẩy cường độ của một cơn bão và tạo ra những cơn gió mạnh hơn. Trong trường hợp của bão Freddy, năng lượng bổ sung này cho phép cơn bão mạnh trở lại và quay lại tấn công lần nữa.
Đồng thời, sự gia tăng dân số nhanh chóng ở các nước đang phát triển đã thúc đẩy những người dân nông thôn nghèo khó tìm kiếm cơ hội ở các thành phố, gây áp lực về nhà ở ở những nơi như Blantyre, nơi có dân số khoảng một triệu người.
Ông Costly Chanza - Giám đốc dịch vụ quy hoạch thị trấn và bất động sản tại Hội đồng thành phố Blantyre - cho biết: “Mọi người đến từ các vùng nông thôn để tìm việc làm, nhưng khi không có việc làm, họ cũng không quay trở lại quê hương mà chọn cách định cư ở những khu vực mong manh”.
Ông Chanza nói thêm, phần lớn công trình xây dựng ở các khu vực đồi núi xung quanh Blantyre đều vi phạm các quy định về quy hoạch, nhưng nỗ lực di dời người dân đến nơi khác đã thất bại do các khu tái định cư quá xa nơi làm việc, trường học và bệnh viện.
Theo ông Chanza, phá rừng càng làm trầm trọng thêm thảm họa vì nó làm đất tơi xốp, dễ bị sạt lở.
Bà Estere Tsoka - chuyên gia về tình trạng khẩn cấp của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) ở Malawi - cũng cho biết, các vật liệu xây dựng yếu như bùn và tôn khiến nhà cửa dễ bị hư hại hơn.
Thị trấn Chilobwe nằm bên dưới một ngọn núi với hàng nghìn nhà trú ẩn tạm thời, thường có cấu trúc bằng bùn với mái tôn đã bị san phẳng do sạt lở đất. Dữ liệu của U.N. Habitat từ năm 2020 cho thấy, trong khoảng thời gian từ 2/3 đến 3/4 hàng năm, người Malawi ở 4 thành phố thường phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ.
Người dân Mozambique đã tránh được tổn hại về người nhờ hệ thống cảnh báo bão sớm dựa vào cộng đồng, hệ thống gửi tin nhắn văn bản, thông báo trên đài phát thanh và truyền hình địa phương, họ còn được hướng dẫn tìm nơi trú ẩn an toàn với dự trữ thức ăn và nước uống.