Triệt để thu hồi tài sản tham nhũng
Chiều 20/3, kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng. Cũng tại phiên chất vấn “nóng” này, giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng là việc được nhiều đại biểu đặt ra.
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, tổng kết 10 năm qua cho thấy thu được khoảng 40% số tài sản tham nhũng. Tuy nhiên, muốn thu hồi được tài sản, các cơ quan phải chứng minh được tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng, việc này không đơn giản. Do đó, cần nâng cao chất lượng điều tra và kịp thời phong tỏa tài sản.
Giải trình tại phiên họp, theo Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, trong 5 tháng (từ tháng 10/2022 đến nay), các cơ quan đã thu được trên 17.000 tỷ đồng, xét về số lượng tuyệt đối đã tăng gần 12.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên ông Long cũng cho rằng cần tăng cường giám sát để hạn chế tình trạng tẩu tán, giấu tài sản tại các vụ tham nhũng, án kinh tế.
Thu hồi tài sản trong các vụ tham nhũng, án kinh tế là một nội dung rất quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ngày 2/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Chỉ thị nhấn mạnh việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. Đặc biệt, điểm mới rất đáng chú ý là xây dựng cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội.
Về vấn đề này, mới đây khi trả lời kiến nghị của cử tri, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng đề án về cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng không qua thủ tục kết tội, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Theo ông Phan Huy Hiếu - Chánh Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong thu hồi tài sản tham nhũng có nhiều, trong đó có nguyên nhân khách quan là tội phạm thường rất tinh vi, có nhiều thủ đoạn gian manh và đã có sự chuẩn bị trước cho các hậu quả xảy ra; tẩu tán tài sản cho người khác đứng tên.
Nguyên tắc của vụ án kinh tế, tham nhũng là tài sản đã bị chiếm đoạt, thất thoát thì bằng mọi cách phải thu hồi lại. Vẫn biết rằng việc thu thập chứng cứ và chứng minh mối liên hệ giữa tài sản và hành vi phạm tội là không dễ dàng. Việc thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay chủ yếu được thực hiện dựa trên các bản án kết tội của Tòa án, do đó sẽ khó tránh khỏi việc thất thoát tiền, tài sản do đối tượngngười phạm tội đã nhanh chóng che giấu, tẩu tán. Vì thế, nhiều ý iến cho rằng cần sớm có cơ chế tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội. Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho rằng, đó sẽ là cơ sở để tiến tới xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Theo ông Học, muốn thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả thì vấn đề kê biên, phong tỏa tài sản phải được làm kịp thời, quyết liệt, không đợi đã có bản án thì mới tiến hành các biện pháp kê biên, phong tỏa.
Thực tế cho thấy qua các vụ tham nhũng, số tiền của nhà nước bị chiếm đoạt, làm thất thoát rất lớn. Có vụ án con số lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thu hồi gặp khó khăn do tiền bạc, tài sản đã được tẩu tán, đứng tên người khác mà không phải bị cáo. Do đó, cần phải có những biện pháp quyết liệt hơn.
Suy cho cùng, mục đích chính của tham nhũng, tội phạm kinh tế là chiếm đoạt tài sản nhà nước để làm giàu cho bản thân, gia đình, nhóm lợi ích. Nếu như mục đích ấy bị ngăn chặn, bị xử lý triệt để thì ý đồ tham nhũng cũng sẽ không còn. Nếu đối tượng vi phạm pháp luật phải ngồi tù nhưng khối tài sản chiếm đoạt được vẫn còn thì mục đích chặn tham nhũng vẫn không thể đạt được. Tài sản của dân, của nước vẫn bị mất đi do không thu hồi, tịch thu được.
Do đó, khẩn trương xây dựng đề án về cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng không qua thủ tục kết tội đã được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp nghiên cứu hoàn thiện, là việc cần phải làm ngay.