Đau đầu khi vàng thau lẫn lộn

T.Hằng 22/03/2023 11:25

Trên thị trường tín dụng chỉ có 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép nhưng có hàng nghìn ứng dụng cho vay “đội lốt” gây hiểu lầm cho cộng đồng. Điều này tạo nên sức ép lớn cho các công ty tài chính tiêu dùng chính thức bởi liên tục chịu tiếng oan.

Người dân cần cảnh giác bẫy tín dụng đen núp bóng công ty tài chính.

Cần phân biệt cho vay cầm đồ và tài chính tiêu dùng

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hiện nay trên thị trường có hai loại hình cho vay là cho vay cầm đồ và cho vay tài chính tiêu dùng. Cho vay cầm đồ là kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự do Bộ Công an quản lý, hoạt động theo đăng ký kinh doanh và chịu sự điều chỉnh theo Bộ luật Dân sự về cầm đồ và quy định về an ninh trật tự. Còn cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng hoạt động dưới sự cấp phép và quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện theo Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Doanh nghiệp.

Các công ty tài chính tiêu dùng hoạt động với những tiêu chí như hệ số an toàn, rủi ro, nợ xấu, room cho vay… đều dưới sự giám sát, thanh tra, kiểm tra của NHNN.

Hiệp hội Ngân hàng vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị rà soát lại việc đặt tên “công ty tài chính” của loại hình cho vay cầm đồ hiện nay liệu có đang vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng để tránh việc nhầm lẫn với các công ty tài chính tiêu dùng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có văn văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố yêu cầu rà soát lại.

Ông Lê Quốc Ninh - Tổng giám đốc Công ty Tài chính MB Shinsei đồng thời là chủ nhiệm Câu lạc bộ tài chính tiêu dùng, nêu thực tế các đơn vị cầm đồ hoạt động "núp bóng" khiến dư luận nhầm lẫn, đánh đồng với công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp (được NHNN cấp phép). Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới hình ảnh các công ty tài chính tiêu dùng mà còn nảy sinh nguy cơ tiềm ẩn đến hành vi trả nợ của khách hàng, gây khó khăn cho công tác thu hồi nợ.

Theo bà Hồ Thị Như Hà - Phó tổng giám đốc Công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) thì công tác thu hồi nợ đang rất khó khăn. Bà Hà cho biết, tệp khách vay có những đối tượng gồm kẻ chuyên gian lận và những người khó khăn tài chính quay sang rủ nhau không trả nợ doanh nghiệp. Nhiều khách hàng không bị xử phạt khi “bùng nợ” thành công cũng khiến những khách vay khác nung nấu ý định này.

Vẫn theo bà Hà, chế tài với khách hàng kiểu này chưa cao trong khi việc khởi kiện rất khó thực hiện với các khoản nợ giá trị thấp càng khiến người vay hình thành tâm lý “bùng nợ tập thể”.

Tăng cường kiểm soát các app tài chính

Hiện NHNN mới chỉ cấp phép cho 16 công ty tài chính hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.337 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc. Song trên thực tế lại đang có nhiều công ty tư vấn tài chính, công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ, công ty fintech cho vay online, các ứng dụng (app) cho vay (không phải do NHNN cấp phép, không phải là tổ chức tín dụng)... tự đặt tên mập mờ là “công ty tài chính” và cũng thực hiện hoạt động cho vay, dễ gây hiểu nhầm như công ty tài chính do NHNN cấp phép.

Đáng chú ý các hoạt động không lành mạnh của các tổ chức cung cấp tài chính tiêu dùng không do cơ quan quản lý cấp phép và hoạt động tín dụng đen đã gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động và uy tín của các công ty tài chính tiêu dùng.

Thực tế cho thấy tín dụng đen nở rộ bằng nhiều hình thức tinh vi, đặc biệt hoạt động dưới vỏ bọc các công ty công nghệ, phát triển các app cho vay. Thậm chí, nhiều khách hàng muốn vay các công ty tài chính chính thống qua app nhưng không thể phân biệt và lựa chọn được app cho vay uy tín. Với việc hoạt động dưới dạng Fintech nên rất khó để quản lý, kiểm soát các app này. Điều này cũng gây khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động bán hàng của công ty tài chính. Về mặt dài hạn, có thể dẫn đến những biến tướng khó lường, tạo kẽ hở cho tín dụng đen phát triển.

TS Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, cần phải giúp người dân hiểu rõ hơn sự khác biệt giữa các công ty tài chính là các tổ chức tín dụng hoạt động theo các quy định pháp luật về ngân hàng với các loại hình công ty tài chính không phải là tổ chức tín dụng, các cửa hàng cầm đồ, các app cho vay, các cá nhân cho vay thông qua các hình thức hụi, họ… Các bộ, ngành, địa phương cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền phòng ngừa tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen trên các phương tiện thông tin đại chúng với các hình thức sinh động, đa dạng, dễ tiếp cận... gắn với các vụ án, vụ việc cụ thể.

T.Hằng