Dịch chuyển xu hướng chi tiêu

THANH GIANG 22/03/2023 07:20

Lạm phát tăng cao, mất việc nhiều, thu nhập sụt giảm mạnh nên người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hoặc chọn mua hàng bình dân, thiết yếu thay vì mạnh tay chi hàng hóa cao cấp.

Sức mua xuống thấp

Tại các chợ truyền thống, tiểu thương than buôn bán quá ế ẩm. “Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên mặt hàng trái cây cũng ế ẩm. Trái cây cao cấp gần như đứng chững. Giờ chỉ bán cóc, ổi, xoài, mận,… là dễ nhất” - bà Nguyễn Thanh Hà, chủ cửa hàng trái cây chợ Dân Sinh (đường Yersin, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1) phân trần.

Với những tiểu thương bán hàng gia dụng, hàng thời trang tình hình còn khó khăn hơn. Để hạn chế tình trạng bán hàng chậm, tiểu thương mong ngóng thương mại điện tử là kênh “cứu cánh”. Tiểu thương các chợ chỉ nhau cách bán hàng trên mạng xã hội như: Zalo, Facebook, GrabMart, Shopee, Lazada,… tuy nhiên rất ít khách hàng chốt đơn.

Ông Phạm Văn Việt – Tổng Giám đốc công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, sắp tới công ty phải đóng 8 cửa hàng V-SixtyFour trong các trung tâm thương mại của một số thành phố lớn. Việc kinh doanh tại hệ thống bị sụt giảm mạnh, có cửa hàng giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo bà Lê Huỳnh Phương Thục – CEO Guardian Việt Nam, giá trị đơn hàng của người mua đã giảm. Nghĩa là, khách chuyển sang mua sản phẩm bình dân, thay vì mua sản phẩm cao cấp như trước đây. Đáng chú ý, sức mua chỉ bằng khoẳng 65% trung bình năm ngoái, thậm chí cả những ngày cuối tuần sức mua cũng không tăng lên bao nhiêu.

Ông Nguyễn Anh Đức – Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Saigon Co.op lo lắng, năm 2022, bán lẻ tiêu dùng tăng trưởng xấp xỉ 20%, trong khi đó, dự báo năm 2023, bán lẻ tiêu dùng chỉ tăng khoảng 8 – 10%. Đáng lưu ý, mặc dù tốc độ bán lẻ tăng gần 20% trong năm 2022, nhưng chỉ duy nhất có Saigon Co.op tăng trưởng dương nhưng mức dương này lại chưa đạt đến 1%.

Xu hướng tiêu dùng hàng hóa bình dân

Theo Tổng cục thống kê, hai tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 994.2000 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, nếu loại trừ tăng giá thì chỉ tăng 9,2%. Dù có cải thiện nhưng quy mô này chỉ bằng 77,7% mức tăng trưởng thông thường theo kịch bản không có dịch. Tại thị trường TPHCM, tháng 2, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng lập tức quay đầu giảm 5,2%. Trong đó, doanh thu bán hàng giảm 8,3%, lưu trú ăn uống giảm 3,2%,…

“Thương mại dịch vụ tăng trưởng rất chậm, chưa như kỳ vọng vì tốc độ phục hồi của ngành du lịch, hoạt động vui chơi giải trí vẫn giảm” - ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM nhận định.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho rằng, bán buôn, bán lẻ tiếp tục duy trì phát triển nhưng sức mua có chững lại ở một số đối tượng. Nhiều ý kiến khẳng định, kinh tế khó khăn, thu nhập sụt giảm mạnh nên người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, đặc biệt không mạnh tay mua hàng hóa cao cấp.

Phân tích của Công ty Chứng khoán SSI phát hành cuối tháng 1 dự báo, toàn ngành sẽ đối diện sức chi tiêu thấp trong nửa đầu năm. Với các mặt hàng giá trị cao, người có tiền cũng hoãn chi tiêu. Trong tình hình kinh doanh ế ẩm hiện nay, sẽ có nhiều nhà bán lẻ nhóm mặt hàng không thiết yếu như mặt hàng thời trang phải trả mặt bằng kinh doanh.

Nêu giải pháp cho vấn đề, ông Dương Anh Đức cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối nên xem kênh nào cần phát triển trong thời gian tới để tập trung chiến lược cụ thể. Riêng thương mại điện tử chỉ có thể làm thay đổi bức tranh tiêu dùng chứ không làm tổng cầu phát triển lên được.

Trước tình trạng sức mua sụt giảm mạnh, các nhà phân phối kỳ vọng, sức mua trên thị trường sẽ tăng lại trong nửa đầu năm 2023 khi Chính phủ có những giải pháp phát triển kinh tế. Đơn cử, tại TPHCM, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi đã và đang chỉ đạo các sở, ngành nhanh chóng tháo gỡ điểm nghẽn khó khăn để kinh tế phục hồi và phát triển tốt trong quý 2/2023.

THANH GIANG