Trường sư phạm chờ đơn đặt hàng
Tại buổi làm việc với Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho hay, nhà trường đã chủ động việc đào tạo giáo viên cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT mới), song hiện nhiều địa phương không mặn mà đặt hàng.
Địa phương chưa mặn mà
GS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết, trường đã chủ động xây dựng các chương trình đào tạo mới nhằm đáp ứng việc đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng chương trình GDPT mới. Cụ thể, từ năm 2018-2022 nhà trường đã hoàn tất việc xây dựng và mở 4 mã ngành mới là Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch sử - Địa lý, Sư phạm Công nghệ, Giáo dục công dân chủ động đáp ứng nhu cầu của ngành. Cả 4 chương trình đào tạo đã được trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, cho phép mở ngành.
Tuy nhiên, theo ông Sơn năm 2021, chỉ có 2 địa phương đặt hàng đào tạo giáo viên là tỉnh Long An (đặt hàng 53 giáo viên) và Ninh Thuận (đặt hàng 8 giáo viên). Năm 2022, chỉ có duy nhất tỉnh Long An đặt hàng nhà trường 27 giáo viên. Do không nhận được phản hồi về nhu cầu tuyển dụng từ các địa phương, nhà trường thực hiện việc mở ngành, tuyển sinh và đào tạo căn cứ vào các khảo sát nhu cầu, chỉ tiêu dự kiến (thông qua chọn nguyện vọng của học sinh) nên số lượng giáo viên các môn mới ra trường không nhiều. Năm 2023, trường sẽ có 46 giáo viên sư phạm Khoa học tự nhiên ra trường, 2 năm sau nữa có khoảng 300 giáo viên của 4 môn còn lại ra trường, gồm Sư phạm Lịch sử - Địa lý, Sư phạm Công nghệ, Giáo dục công dân.
Thống kê hàng năm của các địa phương và Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, hiện nay việc thừa - thiếu giáo viên diễn ra ở nhiều địa phương, trong đó phân bổ ở từng cấp học là khác nhau. Đặc biệt, khi triển khai chương trình GDPT mới có những môn học mới như Âm nhạc, Mỹ thuật, hoặc từ môn học tự chọn trở thành bắt buộc dẫn đến thiếu hụt một số lượng lớn giáo viên, trong khi không phải địa phương nào cũng có sẵn nguồn tuyển.
Chính vì vậy, phương án đặt hàng đào tạo được cho là một trong những giải pháp hữu hiệu để cung cấp nguồn tuyển phù hợp. Trong khi các trường sư phạm sẵn sàng đón nhận, chờ “đơn đặt hàng” thì nhiều địa phương chưa thực sự mặn mà với việc đặt hàng đào tạo giáo viên.
Cần giải pháp thu hút người giỏi vào sư phạm
Hiện nay, đào tạo ngành sư phạm thực hiện theo quy định tại Nghị định 116/2020. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chưa đồng bộ, có những địa phương khó khăn về ngân sách nên chưa thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên. Bên cạnh đó, câu hỏi về việc sinh viên sư phạm đào tạo theo Nghị định 116, tốt nghiệp ra trường nhưng không về địa phương (đã đặt hàng đào tạo) công tác phải giải quyết ra sao cũng là một bài toán khó.
TS Lê Đông Phương (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) cho hay, câu chuyện khó nhất đối với các địa phương trong việc thực hiện Nghị định 116, là không khẳng định được trong 5 hay 7 năm tới cần bao nhiêu giáo viên để đặt hàng. Ngay cả với những địa phương có sự ổn định cao về dân số cũng khó khẳng định được kế hoạch 5 - 7 năm tới cần bao nhiêu giáo viên, phân theo môn học lại càng khó tính toán... Bởi vậy, hiện nay có nhiều tỉnh, thành phố đã không đưa ra được đơn đặt hàng về đào tạo giáo viên với các trường đào tạo sư phạm.
Tại chương trình giám sát nói trên, bài toán tuyển dụng và thu hút người giỏi vào ngành sư phạm một lần nữa được các đại biểu của Đoàn giám sát Quốc hội đặt ra, và mong muốn tìm kiếm một giải pháp toàn vẹn từ phía Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Đồng tình với những trăn trở của Đoàn giám sát, nhưng theo GS Huỳnh Văn Sơn để tháo gỡ vấn đề này cần một giải pháp mang tính tổng thể và tầm vĩ mô, điều mà nhiều năm nay đã bàn luận rất nhiều.
Ông Sơn chia sẻ: Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã thực hiện đề tài cấp Quốc gia về “Dự báo số trẻ đến trường và dự báo nhu cầu giáo viên”. Đây là đề tài nhằm phân tích và dự báo sát thực tiễn nhất nhu cầu giáo viên trong tương lai. Nếu không làm tốt công tác dự báo thì 5-10 năm tới rất dễ phải đối mặt với tình huống thiếu giáo viên toàn bộ hay cục bộ như hiện nay. Theo ông Sơn, môi trường sư phạm tốt, chế độ và chính sách học bổng dành cho sinh viên sư phạm (như Nghị định 116 đang triển khai) thôi vẫn chưa đủ. Quan trọng là phải xây dựng được một chính sách lương bổng thật tốt cho đội ngũ giáo viên. Ngoài ra, việc xây dựng chính sách và thúc đẩy công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần cho giáo viên đó mới là điểm mấu chốt thu hút người giỏi vào ngành sư phạm.