Tuyển sinh 2023: Có nên chọn ngành học mới theo tên gọi?
Theo các chuyên gia, bất kể ngành nghề nào, kể cả những ngành mới mở, thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định chọn ngành.
Nhiều năm trở lại đây, các trường đại học hướng tới đào tạo đa ngành. Với xu hướng phát triển đó, nhiều trường không ngừng mở mới ngành nghề đào tạo.
Đa phần các ngành mới mở được đánh giá là ngành “hot” trong các mùa tuyển sinh. Xu hướng này cho thấy rõ vào mùa tuyển sinh 2021, trong đó có trường tuyển trên 10 ngành và chuyên ngành mới.
Năm 2023, nhiều trường đại học cũng cho biết dự kiến mở thêm ngành học mới nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh.
Mở mới nhiều ngành học ở bậc đại học là một trong những quyết định quan trọng đã được Hội đồng đại học Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh thông qua.
Theo đó, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đồng ý chủ trương mở mới nhiều ngành ở bậc đại học như thí điểm ngành Trí tuệ nhân tạo (Trường đại học Công nghệ thông tin); ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, thí điểm mở ngành Công nghệ vật lý điện tử và tin học (Trường Đại học Khoa học tự nhiên); ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, ngành Thú y (Trường Đại học An Giang); giao nhiệm vụ cho Khoa Y triển khai đào tạo ngành Y học cổ truyền và ngành Điều dưỡng.
Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh đang đào tạo 34 ngành bậc đại học. Năm 2023, trường dự kiến mở thêm 5 ngành đào tạo bậc đại học gồm: Khoa học dữ liệu, Công nghệ tài chính, Luật, Thương mại điện tử, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.
Trường Đại học Thủy lợi dự kiến tuyển sinh trình độ đại học hệ chính quy năm 2023. Theo đó, trường dự kiến tuyển sinh 5.500 chỉ tiêu, nhiều hơn 1.500 chỉ tiêu so với năm 2022.
Đáng chú ý, năm nay, trường đang xây dựng đề án mở thêm 2 ngành mới là Ngôn ngữ Hàn và Ngôn ngữ Trung.
Theo thông tin tuyển sinh đại học chính quy năm 2023 của Đại học Bách khoa Hà Nội, nhà trường dự kiến tuyển sinh 63 chương trình đào tạo với tổng chỉ tiêu là 7.985 chỉ tiêu.
Năm nay, trường mở thêm 3 chương trình đào tạo mới, gồm: Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano (40 chỉ tiêu), Công nghệ vật liệu Polymer và Compozit (40 chỉ tiêu), Kỹ thuật sinh học (40 chỉ tiêu).
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến mở một số ngành như: Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh, Ngôn ngữ học.
Trường Đại học Thương mại đào tạo mở thêm 5 ngành mới, gồm: Phân tích kinh doanh trong môi trường số, Tiếng Trung thương mại, Quản trị khách sạn, Marketing thương mại và Thương mại quốc tế. So với năm ngoái, trường tăng 700 chỉ tiêu.
Lý giải việc mở thêm ngành, đại diện Trường Đại học Thương mại cho biết, các ngành này có tính mới và phù hợp với bối cảnh hiện tại, khi nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trở nên cấp thiết. Trường định hướng tiên phong trong chuyển đối số, đón đầu các xu thế phát triển, nên các chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng đa ngành, có tính quốc tế, gắn với công nghệ và chuyển đổi số.
Xu hướng đầu tư mở ngành học mới chứng tỏ rằng, các trường chuyển mình từ đào tạo những gì mình có sang đào tạo những gì thị trường cần.
Tuy nhiên về phía người học, việc các trường ồ ạt mở ngành học mới khiến nhiều thí sinh băn khoăn trong việc chọn ngành, chọn nghề.
Với nhiều năm kinh nghiệm đào tạo, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội lưu ý, thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định có nên đăng ký vào bất kể ngành nghề nào, kể cả những ngành nghề mới mở.
Hiện nay, Bộ GDĐT yêu cầu các trường phải cung cấp đầy đủ những thông tin về các ngành đào tạo để phụ huynh, học sinh nắm rõ.
Do đó, theo PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, trước khi đưa ra quyết định, phụ huynh, học sinh cần chủ động tìm hiểu chương trình đào tạo mình cân nhắc cung cấp những kiến thức gì, nội dung đào tạo ra sao, kỹ năng đạt được sau 4 năm học, chuẩn đầu ra là gì?
Bà Hương cũng khuyên thí sinh không nên chỉ dựa vào tên của ngành đào tạo để lựa chọn. Các em còn cần đọc khung chương trình học của cả 4 năm để hiểu rõ nội hàm, kiến thức được học, thậm chí giảng viên sẽ giảng dạy mình.
Bên cạnh đó, thí sinh cần có sự cân nhắc, tính toán về cơ hội việc làm trong quá trình lựa chọn ngành nghề, tránh tình trạng thất nghiệp khi ra trường.
Nếu đảm bảo điều kiện chất lượng, xu thế mở ngành học mới là tín hiệu tốt. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có thêm cơ hội lựa chọn cho thí sinh. Nhưng thực tế, không phải ngành mới nào mở ra cũng bảo đảm chất lượng.
Bộ GDĐT lưu ý các trường cần nghiên cứu kỹ nhu cầu của thí sinh và thị trường lao động trước khi mở ngành học. Nhiều trường nếu không nhận biết kịp xu hướng này và điều chỉnh kịp thời, phù hợp trong chiến lược phát triển, đổi mới ngành đào tạo thì không thu hút được thí sinh vào trường.
Ngược lại, một số trường nôn nóng mở ngành mới khi chưa phân tích, dự báo tốt yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu của người học cũng thất bại trong tuyển sinh các ngành mới.