Dạy nhau cách 'bùng tiền' vay qua app: Những hệ luỵ khôn lường
Trên các hội nhóm hướng dẫn cách "bùng tiền", mỗi ngày có hàng chục bài chia sẻ về trải nghiệm quỵt nợ được đăng tải. Không khó để nhận ra nội dung các bài viết tại các hội/nhóm này là hướng dẫn cách “bùng nợ” khi vay tiền công ty tài chính tiêu dùng, vay qua app, thậm chí là vay ngân hàng…
Tần suất bài đăng dày đặc
Đầu tháng 3/2023, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an phối hợp với Công an tại nhiều tỉnh thành trên cả nước đã phối hợp điều tra các trụ sở văn phòng đại diện của CTCP Kinh doanh F88.
Bước đầu, cơ quan chức năng nghi ngờ công ty này thông qua hoạt động cho vay để cưỡng đoạt tài sản. Việc khám xét để phục vụ công tác điều tra, làm rõ các vi phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội như: Lập sổ quản lý, lưu trữ số liệu, tình hình hoạt động kinh doanh không đầy đủ; nhận cầm cố tài sản mà không lưu giữ tài sản cầm cố tại cơ sở kinh doanh trong thời gian cầm cố tài sản...
Tuy lãi suất cầm cố và lãi suất cho vay của F88 đều nằm trong hạn mức lãi suất cho phép nhưng trong quá trình làm thủ tục đăng ký cho người vay, các cơ sở này yêu cầu khách hàng nộp thêm nhiều khoản phí như phí thẩm định điều kiện cho vay (1,4%/tháng), phí quản lý tài sản cầm cố (dao động từ 2-3%/tháng nếu để tài sản tại nơi cầm cố, 5%/tháng đối với người có nhu cầu mượn lại tài sản), phí đăng ký dịch vụ bảo hiểm kèm theo…
Không chỉ F88, nhiều tổ chức cho vay tiền hay cầm cố tài sản khác cũng mọc lên như nấm trong thời gian gần đây, chỉ khác là thay vì có những trụ sở làm việc chính thống, hoạt động của các tổ chức này chủ yếu qua các app online với tên miền được cài đặt sẵn: Doctordong, newdong, moneydong, oncredit, tienoi …
Là một trong những công ty tài chính cho vay với mô hình cầm đồ có nhiều trụ sở nhất cả nước, việc F88 bị điều tra khiến cho nhiều "nạn nhân" tại công ty này thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, ngược lại, lợi dụng việc này, nhiều hội nhóm hướng dẫn "bùng tiền" vay qua ứng dụng, app vay tiền đã liên tục xuất hiện trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook.
Cụ thể, các bài viết trong những hội nhóm này thường chia sẻ về cách trốn nợ hoặc khoe chiến tích đã "bùng" được tiền vay tại các app hay những công ty cho vay bằng cách cầm cố giấy tờ, tài sản. Ngoài ra, nhiều bài viết của những người vay tiền cũng được đăng lên để hỏi cách "bùng tiền" vay hiệu quả.
Những đối tượng này lợi dụng được điểm yếu về sự không chính thống của những ứng dụng vay tiền online để mở dịch vụ hỗ trợ "bùng tiền" vay app. Tuy nhiên những bài đăng đều được dẫn đến những nhóm kín với dòng trạng thái "Mọi người tham gia vào nhóm kín trên zalo giúp mình để được hỗ trợ, lưu ý chỉ hỗ trợ bùng cho những ai không đủ khả năng, trả nợ app không hỗ trợ vay app”.
Ngoài ra, các dịch vụ hỗ trợ trốn nợ cũng mọc lên như nấm trong những hội nhóm này như làm CMND/CCCD giả, nhận “cày” ứng dụng vay tiền online, bán tài khoản Facebook ảo, bán danh bạ giả, nhận gọi điện trấn an người thân... Với CMND giả và danh bạ mới, người vay dễ dàng vay tiền mà không sợ bị ảnh hưởng đến gia đình, người thân. Thậm chí có thành viên còn rao bán sẵn bộ hồ sơ “đẹp” để vay tiền qua app với mức chi phí nhỏ.
Trách nhiệm vay nợ và trả nợ
Về lý thuyết, khi người vay không hoàn trả số tiền đã vay ở mức độ nghiêm trọng, các ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng hoàn toàn có thể khởi kiện người vay ra Tòa án nhân dân nơi xảy ra hoạt động cho vay.
Trong trường hợp xác định có dấu hiệu của tội phạm, cơ quan chức năng sẽ thực hiện điều tra và áp dụng các hình thức xử lý theo luật hiện hành, có thể bao gồm phạt hành chính, tịch thu tài sản, hay truy tố.
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), thời gian qua, Hiệp hội Ngân hàng đã thành lập Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng và đã có 11 công ty tài chính tiêu dùng đăng ký tham gia nhằm mục tiêu tạo mối liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau trong hoạt động kinh doanh. Đồng thời, hướng đến xây dựng thị trường cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, an toàn, phù hợp thông lệ quốc tế.
Trước dư luận về loại hình cho vay cầm đồ những ngày qua, các công ty tài chính tiêu dùng cũng đã chia sẻ với Hiệp hội Ngân hàng những quan ngại về hệ quả có thể là người vay lần khất trả nợ các công ty tài chính tiêu dùng dẫn đến nợ xấu cao…
“Để cho các công ty tài chính tiêu dùng phát triển, tôi cho rằng, từ phía các công ty, cần rà soát đối tượng cho vay phù hợp; chiến lược cho vay gắn kết với chính quyền địa phương sẽ hạn chế được những đối tượng chây ì”, Tổng Thư ký VNBA cho biết.
TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng đề nghị phải có giải pháp, người dân vay vốn có ý thức, trách nhiệm về việc vay thì phải trả nợ. Phải có biện pháp mạnh mẽ, nghiêm minh đối với những người không trả nợ.
Đồng thời, TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết, cần đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu được sự khác biệt giữa hai loại hình cho vay.
Nếu xét theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu thuộc các trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Ngoài ra, nếu chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên sẽ bị áp dụng mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù hoặc chung thân.
Ngoài ra, những người kích động, xúi giục, chỉ cách lừa đảo, hoặc cung cấp những điều kiện cần thiết cho người thực hiện hành vi lừa đảo nêu trên, có thể bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm. Vì thế, người dân nên cân nhắc và tìm hiểu kỹ các quy định thỏa thuận đối với các app tín dụng khi vay tiền, tránh gặp phải những hậu quả không đáng có.
Nếu có nhu cầu vay vốn phục vụ chi tiêu cá nhân thì nên tìm hiểu từ những tổ chức tín dụng uy tín của các ngân hàng, tại đây các tổ chức nêu trên sẽ có các chính sách cụ thể về lãi suất vay, thời hạn vay, lãi vay… và có các chính sách đảm bảo điều kiện cho người dân.