Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Thế Anh 23/03/2023 07:44

Bộ Nội vụ đã gửi sở Nội vụ các địa phương dự thảo (lần hai) Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Theo dự thảo, khuyến khích là tin tưởng, tôn trọng, ghi nhận, động viên, khích lệ, tạo động lực, nguồn lực, điều kiện, môi trường để cán bộ chủ động, tích cực đổi mới, sáng tạo cống hiến vì lợi ích chung.

Dự thảo Nghị định cũng đưa ra những hình thức biểu dương, khen thưởng cụ thể; ưu tiên, tạo điều kiện trong đào tạo, bồi dưỡng; được quy hoạch, bổ nhiệm vào vị trí cao hơn vị trí đang đảm nhiệm hoặc bổ nhiệm, quy hoạch vượt cấp...

Về bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung, dự thảo Nghị định nêu: Trường hợp thực hiện đề xuất đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện, thực hiện thí điểm nhưng không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại được miễn xử lý trách nhiệm kỷ luật Đảng và xử lý trách nhiệm trước pháp luật trong các trường hợp được quy định cụ thể. Trường hợp bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện đề xuất đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm thì tùy theo tính chất, mức độ, người gây cản trở, gây khó khăn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Được biết, theo yêu cầu của Chính phủ, trong tháng 4/2023 dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung phải hoàn thành.

Nghị định cũng chính là cụ thể hóa việc triển khai Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị (ban hành ngày 22/9/2021, được gọi là Kết luận số 14): Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Kết luận số 14 của Bộ Chính trị không chỉ góp phần khơi nguồn sáng tạo cho cán bộ mà còn được coi như tấm khiên/lá chắn để bảo vệ họ, giúp họ phát huy sở trường, tài năng và ý chí quyết đoán của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao trước những khó khăn, thử thách của thực tiễn.

Trước khi có Kết luận số 14, Nghị quyết số 05-NQ/HNTW khóa VI, ngày 20/6/1988 đã đưa việc “dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm” vào trong hệ tiêu chuẩn của cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Nói như vậy để thấy, trong công tác cán bộ, Đảng luôn đề cao cán bộ dám đột phá vì lợi ích chung, đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết. Tuy nhiên, thực tế cũng đã cho thấy không ít rủi ro. Cũng chính vì thế, bên cạnh cơ chế khuyến khích thì cần phải có cơ chế để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, để họ yên tâm hơn trong quá trình thực hiện những sáng tạo, những quyết định của mình.

Trước sự quan trọng của vấn đề, nhiều ý kiến cho rằng cần sớm thể chế hóa Kết luận số 14; bởi thực tế cho thấy không ít cán bộ sợ vướng các quy định pháp luật khi đổi mới sáng tạo, dễ rủi ro về pháp lý. Nói như ông Trần Văn Bảy - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM tại buổi tọa đàm (ngày 14/6/2022) do Học viện Cán bộ TPHCM tổ chức, thì ông đã rất mừng khi Bộ Chính trị có Kết luận số 14. "Trong đầu tôi suy nghĩ Trung ương phải ban hành Nghị quyết thì mới xứng tầm, mới đáp ứng được nhu cầu đổi mới sáng tạo" - ông Bảy nói và cho rằng khi cán bộ đã năng động, sáng tạo xuất phát từ động cơ trong sáng thì phải có sự khẳng định là không hình sự hóa. Có như vậy, cán bộ mới yên tâm đổi mới, sáng tạo.

Còn tại Hội nghị quán triệt Kế hoạch số 124 của Ban Thường vụ Thành ủy về triển khai thực hiện kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, do Thành ủy TPHCM tổ chức ngày 4/6/2022, ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, Đại hội XIII của Đảng đã đưa vấn đề phải có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, chứ không chỉ dừng lại ở việc khuyến khích. Nhiều ý kiến cho rằng lằn ranh giữa đổi mới, sáng tạo và cố ý làm trái rất mong manh. Nếu khuyến khích mà không bảo vệ sẽ rất khó để thúc đẩy cán bộ, bởi cán bộ nóng lòng với công việc nhưng lại sợ vướng quy định pháp luật.

Suy cho cùng, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung cũng chính là bảo vệ người tốt.

Để kết thúc, xin được dẫn lại lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; ngày 12/6/2021: "Cứ làm đi, có hiệu quả, dân tin".

Thế Anh