Doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu: Được ưu tiên cấp tín dụng

T.Hằng 23/03/2023 07:42

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, hầu hết các ngân hàng báo cáo đều dành hạn mức tín dụng cấp đủ cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối với lãi suất ưu đãi và cung đủ nguồn ngoại tệ để các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu.

Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn than khó. Ảnh: Quang Vinh.

Cử tri tỉnh Quảng Bình mới đây đã có đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đầu mối được nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi và nguồn ngoại tệ nhằm giúp các DN tăng nguồn lực tài chính, giảm chi phí để nhập khẩu hoặc mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước; tạo điều kiện để DN thực hiện các thủ tục vay vốn, mua ngoại tệ được nhanh chóng nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ xăng, dầu và duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, không bị đứt gãy nguồn cung theo chỉ đạo của Bộ Công thương.

Về vấn đề này Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, xăng dầu là mặt hàng quan trọng, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô và sản xuất, sinh hoạt của DN, người dân, ngay từ đầu năm 2022, NHNN đã có Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 13/1/2022 chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; trong đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng dầu được quan tâm, ưu tiên cấp tín dụng.

Đặc biệt từ tháng 3/2022, trước biến động phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới và diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước, NHNN đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động cân đối nguồn vốn, xem xét tạo điều kiện tăng thêm hạn mức tín dụng cấp cho các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu được Bộ Công thương giao, góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước; tổ chức làm việc trực tiếp với các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu đang có quan hệ cấp tín dụng để nắm bắt cụ thể những khó khăn, vướng mắc; chủ động có các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ vốn vay, ngoại tệ trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc, quy định về cấp tín dụng; chủ động bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các DN nhằm phục vụ nhu cầu mua xăng dầu trong nước và nhập khẩu theo hạn mức được giao.

Theo Thống đốc NHNN, hầu hết các ngân hàng báo cáo đều dành hạn mức tín dụng cấp đủ cho các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối với lãi suất ưu đãi và cung đủ nguồn ngoại tệ để các DN nhập khẩu xăng dầu.

Cụ thể theo số liệu báo cáo của 27 ngân hàng thương mại đến tháng 12/2022, tổng hạn mức 27 ngân hàng cấp cho 34 DN đầu mối kinh doanh xăng dầu là 171.429 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng là 75.376 tỷ đồng, các DN kinh doanh xăng dầu chưa sử dụng hết hạn mức các ngân hàng thương mại cấp là 96.053 tỷ đồng (khoảng 56% tổng hạn mức được các ngân hàng cấp).

Thống đốc nhấn mạnh, qua theo dõi và nắm bắt tình hình cho thấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng thị trường xăng dầu khan hiếm là do diễn biến bất thường của thị trường xăng dầu thế giới ảnh hưởng tới thị trường trong nước, nhiều DN xăng dầu hoạt động kinh doanh không hiệu quả, bị thua lỗ lớn nên đã thu hẹp hoạt động và nhập khẩu cầm chừng. Ngoài ra, các DN xăng dầu còn gặp khó khăn do các quy định liên quan đến định mức về chi phí nhập khẩu xăng dầu, công thức tính giá cơ sở chưa phù hợp… (vướng mắc này hiện đang được Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP) chứ không phải nguyên nhân do hạn mức cấp tín dụng, lãi suất vay hay nguồn cung ngoại tệ của các ngân hàng thương mại.

Cũng liên quan đến việc tiếp cận tín dụng ngân hàng, ngày 21/3, trong kiến nghị của cộng đồng DN bán lẻ xăng dầu gửi tới Văn phòng Chính phủ và Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội, DN nêu lên thực tế: các DN bán lẻ xăng dầu đang chịu cảnh thua lỗ nghiêm trọng hơn một năm qua, tính từ đầu năm 2022. Nguyên nhân bởi trong nhiều thời điểm, DN chỉ được nhận mức chiết khấu 0 đồng, trong khi các chi phí kinh doanh, tiền lương công nhân, tiền lãi vay ngân hàng… vẫn phải chi trả thường xuyên. Sự thua lỗ của các DN bán lẻ xăng dầu được ghi nhận trong quyết toán tài chính năm 2022.

Cộng đồng DN bán lẻ xăng dầu dẫn chứng theo Điều 7, Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, DN muốn vay thì phải có phương án kinh doanh khả thi. Tuy nhiên, tính trung bình chiết khấu xăng dầu, đa số đều dưới điểm hòa vốn nên phương án vay là không khả thi. Muốn khả thi phải kê khống chiết khấu lên để được ngân hàng xem xét, sửa quyết toán từ lỗ thành lãi.

T.Hằng