Chọn ngành nghề: Cần nghiêm túc với tương lai
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn thông tin, mỗi năm có hơn 600.000 học sinh đứng trước ngưỡng cửa bước vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Tuy nhiên, sau năm học thứ nhất, nhiều người nhận ra ngành học, trường học mà mình lựa chọn chưa hẳn đã phù hợp với bản thân.
Phụ thuộc vào năng lực, đam mê
Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh -hướng nghiệp năm 2023, giải đáp thắc mắc cho thí sinh và phụ huynh các vấn đề liên quan đến chọn trường, chọn ngành phù hợp với sở thích và năng lực cá nhân, PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường ĐH Ngoại thương) cho biết, có 3 yếu tố học sinh cần đặc biệt lưu ý trong quá trình chọn ngành, chọn nghề đó là: Năng lực, nguồn nhân lực và sở thích đam mê. Ngoài ra, các em cần tìm hiểu thông tin về nguồn nhân lực trong tương lai.
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa cho rằng, thí sinh nên chọn ngành trước, sau đó mới đến chọn ngôi trường phù hợp. Để lựa chọn được ngành nghề đúng, các em có thể tham gia các bài test và xem tính cách, năng lực của mình phù hợp với ngành nghề nào. Các em cần bình tĩnh, suy nghĩ kỹ và trả lời được các câu hỏi: Mình có thích ngành nghề đó không, có đam mê, năng lực và có cơ hội phát triển không.
Nhiều chuyên gia tuyển sinh, nhà tuyển dụng cũng đồng tình rằng, trong việc định hướng ngành nghề, năng lực và đam mê là yếu tố quyết định việc người đó có thành công hay không trong tương lai. Tại Trường ĐH Gia Định (TPHCM), việc khảo sát về việc chọn ngành học được tiến hành hàng năm. Ông Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, kết quả khảo sát cho thấy vẫn còn không ít sinh viên băn khoăn hoặc hoang mang và không hứng thú với ngành nghề mình đang học.
Chọn đúng ngành để có động lực tích cực
Một khảo sát mới đây cũng cho thấy, có đến 65,4% sinh viên năm thứ nhất tại một số trường ĐH chưa hiểu hết mục đích, ý nghĩa của ngành học mình lựa chọn; 50,8% sinh viên không biết học xong ra làm việc gì và nơi nào tuyển dụng. Có đến 75,6% sinh viên cho biết, họ ít thỏa mãn với sự lựa chọn của mình.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch - Trưởng ban Quản lý đào tạo (Học viện Tài chính) cho hay, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 200 sinh viên ra trường không đúng hạn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này như: Sinh viên muốn cải thiện điểm, xếp loại bằng tốt nghiệp của mình nên xin hoãn xét tốt nghiệp; sinh viên chưa đạt chuẩn đầu ra về trình độ ngoại ngữ. Tuy nhiên, cũng không ít sinh viên chọn sai ngành, trường dẫn đến mất động lực học tập nên nợ môn.
Chia sẻ với thí sinh về vấn đề chọn ngành/nghề, PGS Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện Chính sách và phát triển lưu ý, thí sinh cần cân nhắc nhiều yếu tố như đặc thù đào tạo, mức điểm đầu vào… Các trường có bề dày đào tạo, có kinh nghiệm và chất lượng đào tạo tốt thường sẽ là điểm đến của nhiều thí sinh, sự cạnh tranh vì thế sẽ lớn hơn. Do đó, các em cũng không nên bỏ qua những trường “trẻ” vì thế mạnh của họ là tiếp cận, đổi mới, cập nhật nhanh và sự cạnh tranh có thể cũng thấp hơn.
Bên cạnh đó, chi phí đào tạo cũng là một điểm thí sinh nên đặc biệt quan tâm khi các trường ĐH đang thực hiện tự chủ với các mức độ khác nhau. Trong đó, có những ngành có chi phí đào tạo khá cao như khối ngành y dược, trong khi có một số ngành được hỗ trợ học phí, thậm chí cấp cả sinh hoạt phí như nhóm ngành sư phạm. Những thông tin này thí sinh có thể tham khảo trên cổng thông tin điện tử của các trường.
Chọn nghề thực chất chính là việc chọn cho mình một tương lai. Vì vậy, các chuyên gia tuyển sinh đều có chung lời khuyên học sinh cuối cấp THPT rằng, trước nhiều ngã rẽ đang đón đợi, các em cần nghiêm túc với tương lai của chính mình.