Ẩn hoạ từ TikTok bài 4: 'Thiên đường' hàng giả, hàng nhái
Mặc dù đã có những quy định nghiêm cấm bán sản phẩm kém chất lượng nhưng TikTok Shop đang vô hình trung trở thành “điểm tập trung” mới của hàng giả, hàng nhái do người bán có thể dễ dàng lách chính sách quản lý của nền tảng.
Săn sale “gặp” ngay hàng nhái
TikTok là nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội của Trung Quốc được ra mắt vào năm 2017, dành cho các thị trường bên ngoài Trung Quốc. Tại Việt Nam, Tiktok hoạt động như một sàn thương mại điện tử, có văn phòng đại diện.
Đặc biệt đến đầu năm 2022, TikTok Shop (là tính năng mua sắm mới và tiên tiến, giúp người bán, các thương hiệu và nhà sáng tạo giới thiệu cũng như bán sản phẩm trực tiếp trên TikTok qua video, LIVE và tab giới thiệu sản phẩm) nhanh chóng thực hiện chiến lược tung khuyến mãi để hút người dùng, như cách các sàn thương mại điện tử (TMĐT) phổ biến hiện nay từng làm.
TikTok Shop là một gian hàng được tích hợp trên nền tảng của TikTok. Khi người dùng xem video sẽ hiện trực tiếp link mua hàng trên đó, người dùng chỉ cần click là có thể mua hàng mà không cần phải thoát ra khỏi ứng dụng.
Các thương hiệu và người có ảnh hưởng trên nền tảng này được khuyến khích quảng cáo sản phẩm của họ thông qua video, livestream để tăng doanh số bán hàng. Để đăng ký TikTok Shop, doanh nghiệp cần có giấy phép đăng ký kinh doanh, địa chỉ kho hàng, thẻ ngân hàng, số điện thoại di động. Riêng cá nhân cần chuẩn bị CCCD thay cho giấy phép kinh doanh.
Với nhịp độ nhanh và phong cách trẻ trung, không ít cửa hàng nhờ TikTok Shop mà chốt được cả trăm đơn chỉ trong vài phút. Tuy nhiên, TikTok Shop lại đang trở thành “điểm tập trung” mới của hàng giả, hàng nhái; gây bức xúc cho không ít người dùng.
Cuối năm 2022, sau đoạn livestream bán mỹ phẩm “giá siêu hời”, chỉ rẻ bằng 1/4, 1/5 giá gốc của sản phẩm được bày bán ở gian hàng chính hãng, một TikToker có 2,6 triệu lượt theo dõi, bị nhiều người tố bán hàng giả, không rõ nguồn gốc.
Thậm chí, những hình ảnh được cho là của người này xuất hiện trong bài cảnh báo trên trang Facebook chính thức của 2 thương hiệu mỹ phẩm đình đám là Estee Lauder Vietnam và MAC Cosmetics với nội dung tình trạng hàng giả tràn lan trên TikTok Shop với lời mời chào chương trình khuyến mại rẻ bất ngờ, “hàng công ty”, “hàng cửa hàng miễn thuế”.
Một nhãn hàng còn nhấn mạnh: “đã tiến hành mua sản phẩm được bán trên nền tảng TikTok của một KOL nổi tiếng” để đối chiếu và khẳng định sản phẩm nói trên là hàng giả.
Sự việc này đã khiến cộng đồng mạng xôn xao bởi TikToker có lượt theo dõi “khủng” và có “tiếng nói” trên nền tảng lại đi bán hàng giả, không rõ nguồn gốc.
Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp duy nhất về vấn nạn hàng giả, hàng nhái trên TikTok. Lướt một vòng các buổi livestream trên nền tảng, người dùng có thể dễ dàng xem được những buổi bán hàng trực tiếp các sản phẩm túi xách, quần áo, mỹ phẩm, thậm chí là đồ ăn với mức giá không thể tin nổi.
Không ít người tiêu dùng đã sập bẫy “hàng tốt giá bèo” mà người bán đưa ra và “chốt” đơn không cần suy nghĩ về nguồn gốc sản phẩm. Thế nhưng nhận về, khách hàng lại vô cùng thất vọng khi chất lượng hàng hóa không hề giống như trên livestream. Phần lớn sản phẩm quần áo, túi xách,… được nhập từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch hoặc tại xưởng sản xuất ở Việt Nam, do đó, rất ít hàng hóa có hóa đơn, chứng từ đầy đủ. Các sản phẩm bán chạy cũng là những mẫu nhái logo, kiểu dáng của các thương hiệu nổi tiếng.
“Tôi có đặt một thỏi son của thương hiệu M. trên TikTok với giới thiệu là hàng chính hãng, mua trong đợt sale của hãng nên có giá hời. Thế nhưng, khi nhận về, từ chất son cho đến màu đều không giống như mô tả trên website của hãng. Thỏi son còn có mùi rất khó chịu nên tôi không dám sử dụng. Tưởng rằng săn sale được thỏi son giá rẻ, ai ngờ lại thành đắt vì phải bỏ đi”, chị Nguyễn Hà G. (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Muôn kiểu lách luật trên TikTok Shop
Hiện nay, TikTok đang trở thành nền tảng thu hút sự chú ý không nhỏ của các tiểu thương bởi hàng loạt chính sách ưu đãi phụ phí như hoa hồng, nền tảng. Tại thời điểm mới ra mắt, TikTok Shop chỉ áp dụng thu phí người bán với mức phí là 1% trên tổng giá trị đơn hàng; sau đó, đến tháng 10/2022, mức phí này được nâng lên thành 2,5% (đã bao gồm thuế), vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức phí là 8-14% của các sàn TMĐT khác. Như vậy, việc kinh doanh trên TikTok Shop có thể giúp người bán tiết kiệm 2-3% phần chi phí.
Với những lợi thế đó, theo báo cáo của Nền tảng Số liệu Thương mại Điện tử dành cho Doanh nghiệp, Thương hiệu và Nhà bán (Metric), cuối năm 2022, doanh thu của Tiktok tương đương 80% doanh thu của Lazada, gấp 4 lần Tiki. Tiktok đang là “mảnh đất màu mỡ” đối với nhà bán lẻ hay doanh nghiệp quảng cáo sản phẩm.
Ngay từ thời điểm ra mắt, TikTok Shop tuyên bố nghiêm cấm hàng giả, yêu cầu tất cả sản phẩm bán trên nền tảng là hàng thật và bảo vệ chủ sở hữu khỏi tình trạng vi phạm bản quyền, thương hiệu. Để bán hàng có thương hiệu, chủ shop cần cung cấp bằng chứng ủy quyền thương hiệu cho TikTok. Bản thân từng sản phẩm trước khi được người bán tạo và đăng tải đều phải qua sự kiểm duyệt nghiêm ngặt.
Nếu vi phạm, tùy vào mức độ và tần suất, TikTok sẽ có biện pháp cảnh cáo, cưỡng chế, xử phạt hay báo cáo cơ quan chức năng xử lý.
Thế nhưng, trên thực tế, bằng nhiều thủ thuật đơn giản, người bán vẫn tìm ra cách để sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng “qua mặt” nền tảng.
Theo một vài chia sẻ của người bán về các “mánh khóe” khi bán hàng nhái thương hiệu, để “lách luật” trên TikTok Shop, người bán chỉ cần che mọi logo nhận diện trên sản phẩm hoặc bao bì. Ngoài ra, khi thiết lập mô tả sản phẩm, người bán cũng không được lồng ghép tên thương hiệu mà chỉ dùng các từ chung chung để khu biệt mặt hàng như: quần áo, túi xách, mỹ phẩm.
Bên cạnh đó, khác với các nền tảng mua sắm trực tuyến khác, phần đánh giá của người mua trước đó trên TikTok Shop cũng khá hạn chế, khiến người mua khó tiếp cận với các “review” chân thực để phân biệt được gian hàng bán hàng chính hãng hay các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn, chứng từ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo thương hiệu nổi tiếng, kém chất lượng, hàng hạn chế kinh doanh, hàng kinh doanh có điều kiện, hàng quá hạn sử dụng…
Ngay cả khi không được duyệt sản phẩm trên TikTok Shop, người bán vẫn có thể sử dụng nền tảng để đăng tải các video quảng cáo hàng giả, hàng nhái và “dẫn” người mua qua các “kênh” khác như mạng xã hội, sàn TMĐT…
Thách thức về tính thích ứng của hành lang pháp lý
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, việc thay đổi chính sách về mức phí thanh toán giúp số lượng gian hàng mới đăng ký trên nền tảng cũng như doanh thu của TikTok ngày một tăng lên. Tuy nhiên, mặt trái của tình trạng trên chính là việc TikTok đang dần trở thành điểm tập trung mới của hàng giả, hàng vi phạm.
"Dù Tiktok Shop nghiêm cấm các sản phẩm kém chất lượng, gian thương vẫn dễ dàng “lách” chính sách quản lý của nền tảng. Do đó, nếu buông lỏng quản lý, không tăng cường giám sát các chủ hàng và sản phẩm, Tiktok sẽ trở thành nơi tập trung của nhiều loại hàng hóa kém chất lượng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng", ông Linh chia sẻ.
Cũng theo ông Linh, bên cạnh đà tăng trưởng và những mặt tích cực, TMÐT nói chung và TikTok nói riêng còn phải đối mặt với nhiều hệ lụy khi tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp; sự ra đời của nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới ở nhiều khu vực và ngành nghề khác nhau đang đặt ra những thách thức không nhỏ về tính thích ứng của hành lang pháp lý.
Theo thống kê, trong năm 2022, Tổng cục Quản lý thị trường đã gỡ bỏ 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn 5 website có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng mức xử phạt cho các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử là 222 triệu đồng.
Số liệu trên cho thấy, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm trên không gian mạng ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online, hàng hóa xé lẻ, phân tán trữ tại nhiều nơi; chỉ giao hàng với số lượng dè dặt nhỏ lẻ nên gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình trinh sát, bắt giữ và xử phạt. Không những thế, những đối tượng này chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian; nhiều khi đăng quảng cáo các sản phẩm khác nhau nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng một loại sản phẩm rồi đặt qua đơn vị cung cấp khác để làm trung gian bán kiếm lời,...
Ðặc biệt, việc các website và các trang mạng xã hội được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng khiến lực lượng chức năng rất khó kiểm soát gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, TMĐT chỉ là phương thức kinh doanh mới bên cạnh phương thức kinh doanh truyền thống, vấn đề cuối cùng là phải kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, hàng hóa được sản xuất làm giả ngay tại Việt Nam hay nhập khẩu qua các cửa khẩu, hay nhập lậu theo đường tiểu ngạch…
Do đó, để giải quyết hiệu quả và triệt để vấn đề, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, giữa các cơ quan bộ ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính (Hải quan, Thuế), Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng nhà nước... cùng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để kiểm soát hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngay tại các cơ sở sản xuất trong nước và tại các cửa khẩu hoặc đấu tranh phát hiện sớm các hành vi vi phạm liên quan tới các vấn đề gian lận thương mại, trốn thuế…