Cẩn trọng với các chùm ca bệnh hô hấp
Gần đây, TPHCM đã ghi nhận các chùm ca bệnh hô hấp ở trường học. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) những chùm ca bệnh này đã nhanh chóng được xử lý, không để lây lan ra diện rộng. Tuy nhiên, nhà trường và các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý bởi, TPHCM đang vào mùa cao điểm của các bệnh đường hô hấp, dễ lây lan trong môi trường tập trung đông người.
Xuất hiện các chùm ca bệnh hô hấp
Mới đây, HCDC tiếp tục nhận được tin báo của Trung tâm y tế Quận 10 về số học sinh nghỉ ốm tăng bất thường tại trường Tiểu học Võ Trường Toản.
Theo ghi nhận, tổng cộng 20 học sinh bị bệnh với các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, ói. Ngay sau khi nhận thông tin, HCDC nhanh chóng phối hợp với Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Trung tâm Y tế Quận 10 thăm khám và điều tra dịch tễ cho học sinh. Theo nhận định ban đầu của các bác sĩ là nghi các trẻ mắc cúm. Ngành Y tế thành phố thực hiện lấy ngẫu nhiên 6 mẫu xét nghiệm gửi về Viện Pasteur. Kết quả cho thấy, 6/6 mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với cúm A (H1N1).
Trước đó, ngày 22, 23 và 24/2 nhiều học sinh tại trường THCS Lê Văn Tám và trường THCS Lam Sơn (quận Bình Thạnh) đồng loạt bị sốt. Cụ thể, số học sinh có triệu chứng bệnh trong 3 ngày tại trường Lê Văn Tám lần lượt là 14, 193 và 23 học sinh; tại trường Lam Sơn lần lượt là 5, 84, 17 học sinh. Tổng số trẻ mắc bệnh trong giai đoạn này chiếm 11% tổng số học sinh cả 2 trường.
Đề cập đến “chùm” ca sốt ở 2 trường THCS nói trên, lãnh đạo Trung tâm y tế quận Bình Thạnh khẳng định, triệu chứng chính của các học sinh này chủ yếu là hô hấp, chỉ có 2 trường hợp liên quan đến tiêu hóa.
Các chuyên gia nhi khoa nhận định, nguyên nhân gây bệnh ở những học sinh này khả năng cao là do nhiễm siêu vi hô hấp. Đây là căn bệnh do các tác nhân virus hay gây bệnh ở trẻ em như rhinovirus, adenovirus, coronavirus,… gây ra, đa phần diễn tiến nhẹ tự khỏi và không cần nhập viện.
Theo BS.CK2 Nguyễn Thanh Hải – Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2, gần đây số bệnh nhi đến khám bệnh liên quan đến viêm đường hô hấp tăng so với trước. Trung bình mỗi ngày khoa Khám bệnh tiếp nhận khoảng 100 – 150 trường hợp được chẩn đoán là viêm hô hấp trên. Ngoài các trường hợp đến khám, số lượng bệnh nhân điều trị nội trú cũng tăng. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trẻ nhập viện do viêm phổi, viêm tiểu phế quản do nhiễm siêu vi cũng tăng.
Tiêm ngừa và giám sát sức khỏe
HCDC thông tin, theo số liệu giám sát Trung tâm y tế trong những tháng đầu năm, TPHCM đã ghi nhận các chùm ca bệnh hô hấp ở trường học. Các chùm ca bệnh đã được xử lý sớm giúp hạn chế lây lan. Từ đó cho thấy việc quản lý, giám sát và xử lý sớm chùm ca bệnh là hết sức quan trọng. Đặc biệt, TPHCM đang vào mùa cao điểm của các bệnh đường hô hấp, dễ lây lan trong môi trường tập trung đông người.
Trực tiếp tham gia khám cho học sinh trường Tiểu học Võ Trường Toản, BS. Trương Hữu Khanh nhận định, những trường hợp trẻ bị bệnh ở trường Tiểu học Võ Trường Toản giống như bị cảm thường. Trước đó, khi thăm khám cho các trẻ của trường THCS Lê Văn Tám và trường THCS Lam Sơn, BS. Trương Hữu Khanh cũng cho rằng, đa phần trẻ bị viêm hô hấp do vi rút thông thường, nhẹ tự hết.
Theo các chuyên gia y tế, tình trạng trẻ bị viêm đường hô hấp có thể xuất hiện ở các trường khác, hoặc xuất hiện rải rác ở nhóm trẻ khác, thậm chí trẻ ở nhà cũng vẫn mắc bệnh. Hiện số trường hợp bệnh nhân mắc bệnh hô hấp gia tăng, đặc biệt là khu vực phía Nam do ảnh hưởng bởi sự bất thường của thời tiết. Tại TPHCM, đang ở giai đoạn giao mùa, mức nhiệt chênh lệch sáng và trưa. Trong khi đó, siêu vi hô hấp lại phát triển tốt trên nền nhiệt khoảng 30 độ C.
BS. Nguyễn Thanh Hải khuyến cáo, phụ huynh nên cho trẻ uống đủ nước, ăn đầy đủ dinh dưỡng, nhiều rau xanh và trái cây để phòng tránh bệnh hô hấp do nhiễm siêu vi. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, phụ huynh nên chủ động cho con đi tiêm ngừa các bệnh đã có vaccine như cúm, thủy đậu, quai bị. Tiêm vaccine là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc và tỷ lệ bệnh nặng do bệnh truyền nhiễm.
Nhằm xử lý nhanh chóng các chùm ca bệnh hô hấp tại trường học, HCDC yêu cầu, các cơ sở giáo dục cần thực hiện quản lý học sinh bằng công tác điểm danh mỗi ngày. Nếu phát hiện có học sinh bị bệnh truyền nhiễm hoặc ghi nhận trường hợp có từ 2 học sinh cùng có vấn đề sức khoẻ trong cùng một thời gian hoặc tăng bất thường số lượng học sinh bị bệnh, nhà trường cần báo ngay cho Trạm y tế và Trung tâm Y tế địa phương để có hướng xử lý kịp thời.