Nhiều dư địa xuất khẩu rau quả
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, xuất khẩu hàng rau quả tăng trưởng tích cực trong 2 tháng đầu năm 2023 trong bối cảnh nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực xuất khẩu sụt giảm.
Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Trung Quốc đạt 320,5 triệu USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 56,7% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả. Việc Trung Quốc dỡ bỏ chính sách “Zero Covid” đã giúp xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường này lấy lại đà tăng trưởng.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam thông tin, Trung Quốc mỗi năm chi khoảng 15 tỷ USD nhập khẩu rau quả. Năm 2022, xuất khẩu rau quả nước ta sang Trung Quốc chỉ đạt 1,53 tỷ USD, chiếm thị phần nhỏ.
Hiện Việt Nam có hơn 11 loại trái cây ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ông Nguyên dự báo xuất khẩu rau quả sang thị trường 1,4 tỷ dân này sẽ bùng nổ, đạt 2,5 tỷ USD, thậm chí chạm mốc 3 tỷ USD trong năm nay.
Đánh giá về những kết quả đạt được trong 2 tháng vừa qua của ngành rau quả, nhiều chuyên gia cũng khẳng định, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc 2 tháng đầu năm nay đã tăng 25% so với cùng kì. Một phần là nhờ những mặt hàng có giá trị cao như sầu riêng, đã được xuất chính ngạch sang thị trường này. Giá sầu riêng cũng đang tốt. Tuy nhiên, vừa qua là giai đoạn trái vụ, thiếu vắng sầu riêng của các nước khác trên thị trường Trung Quốc. Tới đây, khi vào vụ, không chỉ sầu riêng mà cả thanh long, xoài hay chuối Việt Nam sẽ phải cạnh trạnh với Thái Lan, Philippines, Ecuador hay chính hàng nội địa Trung Quốc. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cũng như ngành chức năng cần phải có những giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường nhập khẩu.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường khác cũng tăng trưởng đáng kể như Hàn Quốc đạt 27 triệu USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2022; tiếp theo là Nhật Bản đạt 23,3 triệu USD, tăng 17%; Hà Lan đạt 19,8 triệu USD, tăng 69,9%...
Ông Jos Leeters - Giám đốc Văn phòng Leeters cho rằng, cơ hội cho trái cây và rau Việt Nam tại EU là rất lớn vì quy mô thị trường lên đến 62 tỷ euro, tương đương với 43% giá trị thương mại trái cây và rau toàn cầu. Nhu cầu tiêu dùng của EU trải đều trong năm. Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế rất lớn khi có thể sản xuất được rau, quả quanh năm với các loại rau quả rất đa dạng. Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) giúp Việt Nam được xóa bỏ đến 94% các dòng thuế cho rau quả (trước đó có thuế suất 10-20%), tạo lợi thế cạnh tranh so với Thái Lan và Trung Quốc.
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), để nâng cao sức cạnh trạnh, hàng Việt cần có những chiến lược để khẳng định thương hiệu tại thị trường xuất khẩu. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, việc tập trung xây dựng một thương hiệu chung là sản phẩm của Việt Nam hoặc nông sản sản xuất tại Việt Nam rất quan trọng.