Nhức nhối nạn mua bán dữ liệu cá nhân
Việc mua bán dữ liệu tràn lan trên mạng là vấn đề không mới. Tình trạng này đã tồn tại nhiều năm, gây phiền hà cho người dân khi liên tục phải nghe các cuộc gọi mời chào dịch vụ, tư vấn, học hành... Nhưng nghiêm trọng hơn, gần đây, những thông tin này bị sử dụng cho mục đích lừa đảo.
Rao bán công khai
Trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm từ công khai đến bí mật đều ngang nhiên rao bán thông tin dữ liệu cá nhân với số lượng thành viên lớn. Theo đó, hàng chục bài viết được đăng tải mỗi ngày trên các hội nhóm này liên quan đến việc tìm data khách hàng trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề và khu vực trên cả nước.
Thông tin người dùng sẽ được các đối tượng phân loại rồi mới rao bán, từ bất động sản, tài chính, ngân hàng, chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe,... Mức giá cho các loại data này cũng tùy thuộc vào dung lượng, độ khó và độ chi tiết của dữ liệu. Hầu hết những tài khoản bán đều là ẩn danh, không sử dụng ảnh và thông tin thật. Đáng nói, tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân không chỉ diễn ra đơn lẻ, giữa cá nhân với cá nhân mà còn có sự tham gia của các công ty, tổ chức, doanh nghiệp.
Tình trạng này đã diễn ra suốt một thời gian dài và ngày càng diễn biến phức tạp. Thời gian gần đây, liên tục xuất hiện tình trạng các tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo biến tướng không ngừng, có sử dụng thông tin cá nhân lộ lọt của nạn nhân.
Nhiều người từng bị các đơn vị dạy tiếng Anh, dạy phụ đạo gọi đến chào mời. Họ biết chính xác học sinh đó tên gì, lứa tuổi nào, phụ huynh làm nghề gì. Vậy họ lấy thông tin ở đâu?
Tất nhiên điều đó không chỉ có ở trường học mà còn xảy ra ở nhiều môi trường khác. Ví dụ không ít người mới mua một căn hộ chưa kịp dọn về đã có nhiều cơ sở nội thất, thiết kế phòng, dịch vụ kèm… lập tức chào mời.
Việc lọt lộ thông tin cá nhân dù từ nguyên nhân nào cũng đều làm khó người dân, và khó có ai có thể đề phòng được.
Lực lượng chức năng cũng đã phát hiện, xử lý nhiều cá nhân, tổ chức liên quan đến hành vi bán dữ liệu cá nhân, trong đó có một số đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô lớn. Số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tới hàng nghìn Gb, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm.
Trước tình trạng này, Bộ Công an cũng đã có kiến nghị hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế đặc thù đối với bảo vệ dữ liệu cá nhân; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm cho ý kiến về dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng hiện đại bảo vệ nền tảng dữ liệu, an ninh thông tin quan trọng, lưu trữ thông tin, dữ liệu cá nhân; xây dựng chiến lược chất lượng cao trong đảm bảo an ninh mạng.
Từ sự bất cẩn của người dùng
Trả lời PV Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia) cho biết, việc mua bán thông tin cá nhân hiện nay diễn ra rất phức tạp bởi việc mua bán rất dễ dàng ngay trên mạng xã hội.
“Liên quan tới vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, Bộ Công an cũng đã cho biết, có đến hơn 2/3 dân số Việt Nam mà dữ liệu cá nhân của họ đang được lưu trữ, đăng tải, chia sẻ và thu thập trên internet với nhiều hình thức và mức độ chi tiết khác nhau. Thậm chí, qua một vài nghiên cứu độc lập, con số thực tế về lộ lọt thông tin cá nhân của người dân Việt Nam còn lớn hơn nhiều so với công bố” - ông Hiếu khẳng định.
Theo ông Hiếu, nguyên nhân lộ lọt thông tin cá nhân có thể xuất phát từ chính sự bất cẩn của người dùng khi dễ dàng cung cấp, đăng tải thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Ngoài ra, thông tin này cũng có thể bị hack và thu thập từ nhiều nguồn khác nhau.
Bên cạnh đó, dữ liệu cá nhân cũng có thể bị lộ lọt từ những cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp lưu trữ thông tin cá nhân người dùng. “Ngoài thông tin CCCD, còn rất nhiều thông tin khác hiện đã hoặc có nguy cơ bị rò rỉ. Ví dụ, thông tin số điện thoại, thông tin đăng nhập tài khoản Facebook, Gmail, tài khoản ngân hàng...” - ông Hiếu nói.
Trao đổi thêm, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, hiện nay, có rất nhiều cách khiến dữ liệu cá nhân bị thu thập trái phép. Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình như sau: Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. Luật An toàn thông tin mạng 2015 nghiêm cấm hành vi thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân.
Như vậy, pháp luật quy định rất cụ thể về thông tin cá nhân như việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin cá nhân của người khác thì phải được người đó đồng ý hay nghiêm cấm hành vi thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác,... Nếu vi phạm các quy định trên thì cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Có thể thấy, những dữ liệu cá nhân được cung cấp trên môi trường mạng khi bị rao bán có thể đem tới nhiều rủi ro cho những người sử dụng. Không chỉ đến từ các cuộc gọi làm phiền, các tin nhắn quảng cáo, mà còn có thể gặp phải nhiều rủi ro về pháp lý cũng như tài chính.
Để bảo vệ bản thân mình và tránh bị các đối tượng lợi dụng, đánh cắp thông tin, mỗi người cần hạn chế chia sẻ những thông tin cá nhân trên không gian mạng, nâng cao các biện pháp bảo mật thông tin cá nhân của mình, tránh truy cập các đường link lạ được gửi đến qua tin nhắn, email, mạng xã hội,... Khi phát hiện thông tin của mình hoặc người khác lộ, lọt, đang bị sử dụng vào hoạt động phạm pháp, cần kịp thời trình báo cơ quan chức năng để xác minh, ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, cơ quan chức năng cần tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý về an ninh mạng. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn quản lý nhà nước về an ninh mạng. Tăng cường việc phát hiện và xử lý tình trạng rao bán các thông tin dữ liệu cá nhân.