Chịu trách nhiệm hình sự thay vì bị xử phạt hành chính
Pháp luật nghiêm cấm hành vi thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác. Vậy việc xử lý các đối tượng này như thế nào, biện pháp nào để ngăn chặn? PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Đoàn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) về vấn đề này.
PV: Thưa Luật sư, vì sao các website rao bán lại có những dữ liệu cá nhân và luôn được cập nhật mới nhất?
Luật sư NGUYỄN VĂN ĐOÀN: Các lập trình viên sẽ sao chép dữ liệu thông tin cá nhân được đăng ký trong hệ thống dữ liệu của một tổ chức nào đó mà có thể xâm nhập vào. Sau đó, mang về lưu giữ tại ổ cứng di động cá nhân và rao bán trên các website một cách công khai.
Hầu hết các trang web rao bán dữ liệu đều cung cấp 2 loại dữ liệu khách hàng: miễn phí và có phí. Dữ liệu miễn phí hầu như trang nào cũng có và là thông tin chung chung về người dùng, không có tính phân loại cụ thể. Dữ liệu thu phí sẽ có nhiều thông tin chi tiết của người dùng như công việc, sở thích, nơi ở, tình trạng hôn nhân, con cái...
Đặc biệt, đối với dữ liệu thu phí được bán theo dạng một danh sách cụ thể hoặc theo dạng thuê bao tháng, năm (danh sách được bổ sung và cập nhật liên tục). Giá bán từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng tùy theo chất lượng và độ chi tiết của gói dữ liệu.
Theo ông còn những kẽ hở nào khiến thông tin dễ lộ, lọt thưa ông?
- Thực tế, việc lộ thông tin cá nhân, nhất là số điện thoại di động, tên tài khoản trên các mạng xã hội Facebook, Instagram… khiến người dân gặp nhiều rắc rối, phiền toái vì tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo…. Ví dụ, khi tham gia vào mạng xã hội như Facebook, Instagram, đặt vé xe, máy bay,... người dân thường được yêu cầu cung cấp thêm số điện thoại, email. Tuy nhiên, người dân đôi khi lại sơ ý để công khai các thông tin cá nhân như số điện thoại trên mạng xã hội, hoặc lựa chọn sử dụng dịch vụ của những bên trung gian không uy tín, có chính sách bảo mật thông tin không tốt. Điều này lí giải cho việc người dân liên tục nhận được các tin nhắn, cuộc gọi bất chợt mời chào vay tiền, mua nhà, tham gia các khóa học...
Bên cạnh đó, cũng có nhiều ứng dụng di động, game di động, ứng dụng bói toán/hẹn hò… khi yêu cầu các quyền truy cập dữ liệu (như danh sách bạn bè trên Facebook, hồ sơ cá nhân…) đều phải được người dân click đồng ý. Do đó, người dân cũng phải kiểm soát được việc chấp thuận cho các ứng dụng này khai thác thông tin cá nhân của mình.
Các ứng dụng do bên thứ ba cung cấp trên nền tảng Facebook thu thập dữ liệu người dân thông qua việc yêu cầu đăng nhập bằng tài khoản Facebook. Những ứng dụng đố vui, dự đoán ngẫu nhiên kiểu như “bạn sẽ trông giống người nổi tiếng nào” hoặc “trông bạn sẽ như thế nào khi chuyển giới”, “con của bạn sẽ trông như thế nào”… thường được người dùng Facebook vô tư bấm vào, đồng ý với tất cả yêu cầu mà không biết mình vừa đồng ý cho nhà cung cấp ứng dụng quá nhiều quyền truy cập dữ liệu.
Pháp luật nghiêm cấm hành vi thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác. Vậy việc xử lý các đối tượng này như thế nào?
- Bộ luật Dân sự 2005 và Bộ luật Dân sự hiện hành (2015) đều có quy định bảo vệ, bí mật và bất khả xâm phạm đối với "đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình" và "thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân". Vì vậy, có thể khẳng định rằng hành vi thu thập, mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa kể cả sử dụng trái phép thông tin cá nhân, dữ liệu cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật.
Về mặt hành chính, tùy vào mức độ vi phạm mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo điều 46 (nghị định 98/2020/NĐ-CP) hoặc theo điều 102 (Nghị định 15/2020/NĐ-CP) với mức xử phạt từ 50.000.000-70.000.000 đồng với hình vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông.
Về mặt hình sự, ở một mức độ nghiêm trọng hơn của hành vi này và thỏa mãn đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, người vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự thay vì bị xử phạt hành chính. Luật Hình sự năm 2015 tại điều 288 đã quy định về “tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”.
Theo đó, xử lý hành vi mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai thông tin riêng của cơ quan, cá nhân, tổ chức trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó. Khung hình phạt cho tội phạm này có hai mức là phạt tiền từ 30 đến 200 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (khung cơ bản); phạt tiền 100 đến 200 triệu, phạt tù từ 2 năm đến 7 năm (khung tăng nặng).
Ngoài ra, hành vi thu thập các thông tin hòm thư bí mật của người dùng ở các mạng xã hội cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo “tội xâm phạm bí mật an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”.
Nếu trong trường hợp những “nạn nhân” bị thu thập dữ liệu trái phép mà có thiệt hại xảy ra thì sẽ có quyền đòi bồi thường. Cụ thể, theo điều 584, Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Tuy nhiên, trên thực tế, yêu cầu đòi bồi thường của người dùng mạng xã hội sẽ rất khó khăn.
Trân trọng cảm ơm ông!