Người khuyết tật khó tìm việc làm
Để người khuyết tật và không khuyết tật bình đẳng về cơ hội việc làm, cần gỡ bỏ một số rào cản về môi trường đào tạo...
Chỉ 31,7% người khuyết tật có việc làm
Nhằm hỗ trợ người khuyết tật (NKT) có việc làm ổn định, tại Quyết định 1190/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030, Chính phủ đặt chỉ tiêu đến năm 2030 có 300.000 NKT được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm. Cùng với đó, Chính phủ cũng hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất thiết bị cho 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt để đào tạo nghề nghiệp cho NKT tại 6 vùng trong cả nước và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề cho NKT. 100% NKT có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.
Ngoài ra, để thực hiện được chỉ tiêu dạy nghề và tạo việc làm, từ năm 2012 đến nay, mỗi năm, Chính phủ đã bố trí ngân sách khoảng gần 10 tỷ đồng để dạy nghề, tạo việc làm cho khoảng 19.000 NKT. Mức hỗ trợ dạy nghề của Nhà nước cũng được điều chỉnh cao hơn (tối đa 6 triệu đồng/người/khóa).
Đánh giá về thực trạng tạo việc làm cho NKT, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Tô Đức cho biết, hiện tại Việt Nam có khoảng 7,06 triệu NKT. Trong đó, có 87,27% NKT sống ở nông thôn, tỉ lệ NKT sống ở khu vực này thuộc diện nghèo và cận nghèo thường cao gấp 3 tỉ lệ nghèo trung bình của toàn quốc. Trình độ học vấn của NKT thấp. Về trình độ chuyên môn kỹ thuật, 93,4% người khuyết tật từ 16 tuổi trở lên không có chuyên môn, số có bằng cấp là chứng chỉ nghề trở lên chỉ chiếm 6,5%.
Cũng theo ông Đức, công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho NKT vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, số lượng NKT được học nghề và có việc làm vẫn còn hạn chế, thiếu chương trình, đội ngũ giáo viên dạy nghề.
Cùng với đó, trình độ học vấn của nhiều NKT còn thấp, cộng với tâm lý tự ti, mặc cảm của bản thân NKT và gia đình khiến cơ hội tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp của NKT còn hạn chế. Nhận thức của các cấp chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư… trong việc tạo cơ hội việc làm cho NKT còn hạn chế. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhận NKT vào làm việc chưa thực sự hiệu quả trong khi nhiều doanh nghiệp không muốn tuyển dụng NKT…
Kết quả Điều tra quốc gia về lao động việc làm và Điều tra quốc gia người khuyết tật Việt Nam được Tổng cục Thống kê hoàn thành từ tháng 7 đến 12/2022 với 117.864 hộ gia đình và 7.156 NKT đã cho thấy: Chỉ có 31,7% NKT trung bình và 7,8% NKT nặng có việc làm.
Kết quả điều tra cũng chỉ ra, có tới 66,6% NKT trung bình làm nghề tự do, đối với người khuyết tật nặng là 52,6%. Và khi NKT tìm kiếm được việc làm thì họ phải đối mặt với rào cản thái độ của người sử dụng lao động và người lao động tại nơi làm việc. Những NKT nặng cho rằng có 29,51% người sử dụng lao động và 23,64% người lao động không sẵn lòng giúp đỡ họ khi làm việc.
Gỡ bỏ rào cản để người khuyết tật hòa nhập
Có thể thấy, số lượng NKT được học nghề và có việc làm vẫn còn hạn chế nhiều, thiếu từ chương trình, giáo viên và tư vấn nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật hay nguồn lực lẫn chính sách còn chưa phù hợp; trình độ học vấn của người khuyết tật thấp cộng với tâm lý tự ti, mặc cảm của bản thân người khuyết tật và gia đình. Cơ hội tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp của NKT còn hạn chế.
Từ thực trạng này theo các chuyên gia để NKT và không khuyết tật bình đẳng về cơ hội việc làm, cần gỡ bỏ các rào cản về môi trường như hoàn thiện giáo dục và đào tạo hòa nhập.
“Các chính sách, cơ chế đã khá đầy đủ tuy nhiên ở nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm, chính vì vậy giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho NKT chính là nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cấp hội” - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về NKT Việt Nam Ðặng Vãn Thanh nhấn mạnh.
Chung quan điểm này, ông Tô Ðức cho rằng, cần phải nâng cao nhận thức, khả năng tiếp cận cơ chế chính sách việc làm, sinh kế cho NKT. Bản thân NKT, gia đình NKT phải chủ động tìm kiếm thông tin, nắm rõ các quyền của mình. Cùng với đó, các bộ, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước phải tăng cường hướng dẫn các địa phương chú trọng công tác cấp giấy chứng nhận cho NKT làm cơ sở giải quyết chính sách hỗ trợ cho NKT.
Đại diện Vụ Pháp chế (Bộ LĐTB&XH) nhận định, cần có quy định về chống phân biệt đối xử với NKT, quy định về hạn ngạch tuyển dụng NKT; nghiên cứu đánh giá, tổng kết sửa Luật NKT; việc quy định các chính sách đối với NKT phải được xem xét trên nhiều khía cạnh khác nhau.
Ông Phạm Quang Khoát - Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Hoàng Mai, Hà Nội, cho rằng, việc làm không chỉ giúp NKT có thêm thu nhập mà còn giúp NKT hòa nhập cộng đồng và giúp họ thấy có ích hơn cho xã hội. Đặc biệt, việc làm giúp NKT tự tin hơn. Chính vì vậy, cần sớm gỡ bỏ các rào cản để NKT có việc làm ổn định bình đẳng với xã hội.