1 người hiến tạng, 4 cuộc đời hồi sinh
Ngày 23/3, Bệnh viện Việt Đức đã công bố ca lấy, ghép mô, tạng thứ 100 từ người cho chết não. Từ đó, 4 cuộc đời khác đã được hồi sinh.
Cụ thể, ca hiến - ghép đa mô, tạng thứ 100 tại Bệnh viện Việt Đức là của bệnh nhân bệnh nhân Đ.M.K., 32 tuổi, ở Bắc Giang. Trước đó, cú ngã khi đang đi xe máy lúc nửa đêm ngày 5/3 khiến anh K. bị chấn thương sọ não nặng. Anh lập tức được đưa vào Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Lúc này, anh K. đã hôn mê sâu.
Sau 1 ngày điều trị và hồi sức tích cực, các y bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng kỳ tích đã không đến với anh K. Hội đồng đánh giá chết não được thành lập, 3 lần test chết não, kết quả đều dương tính. Hội đồng và Ban giám đốc Bệnh viện công bố anh K. đã chết não.
Khi đề cập đến việc hiến, mô tạng sau khi chết não, gia đình anh K. đã bàn bạc và đồng ý hiến mô, tạng. Vợ anh là người đặt bút ký vào đơn tự nguyện đăng ký hiến mô, tạng của chồng để hồi sinh những cuộc đời mới.
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng - Bệnh viện Việt Đức thông tin: Cuộc đại phẫu được tiến hành vào khoảng 14h30 ngày 7/3. Người bệnh đã hiến tim, gan, 2 thận, 4 mạch máu, 14 gân, 2 sụn. Từ nguồn tạng hiến này, bệnh viện đã ghép tim cho một bệnh nhân nữ (53 tuổi, ở Bắc Giang) bị suy tim giai đoạn cuối; ghép gan cho bệnh nhân nam (33 tuổi, ở Ninh Bình) bị nang đường mật; ghép 1 thận cho bệnh nhân nam (42 tuổi, ở Hải Phòng) bị suy thận mạn giai đoạn cuối; ghép 1 thận còn lại cho bệnh nhân nam (48 tuổi, ở Hải Phòng). Hiện cả 4 bệnh nhân sau ghép sức khoẻ đều tiến triển rất tốt, đang hồi phục để được xuất viện.
Anh K. là người chết não hiến tạng thứ 100 tại Bệnh viện Việt Đức, anh cũng là trường hợp hiến tạng thứ 9 từ người cho chết não tại Bắc Giang. Hiện, Bắc Giang đang đứng đầu cả nước về số người hiến tạng sau khi chết não tại nước ta.
GS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay, từ trường hợp đầu tiên vận động gia đình người chết não hiến tạng vào năm 2010, đến nay đã có 100 gia đình đồng ý hiến tạng người thân khi bị các bệnh lý chấn thương hay các bệnh lý khác bị chết não hiến tặng tại bệnh viện. Nhờ đó, các bác sĩ đã thực hiện được 50 ca ghép tim, 83 ca ghép gan, 157 ca ghép thận, 6 ca ghép phổi và nhiều ca ghép mô khác như: Van tim, mạch máu, gân sụn, thần kinh, giác mạc... được lưu trữ tại Ngân hàng Mô của bệnh viện. Theo ông Giang, số liệu này không phải lớn, nhưng là sự cố gắng của các đội ngũ chuyên môn và vận động hiến mô, tạng.
Bệnh viện Việt Đức hiện là cơ sở y tế đứng đầu các trung tâm lớn trên cả nước về việc lấy, ghép mô, tạng từ người cho chết não, chiếm 70% tổng số ca trên cả nước.
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa cho biết, tổng số ca đưa vào danh sách chết não gấp 2-3 lần con số này nhưng không phải bệnh nhân nào cũng thực hiện lấy và ghép thành công. “Việc lấy tạng luôn thực hiện trong tình trạng cấp cứu, bất kể giờ giấc, lễ Tết. Mỗi cuộc mổ huy động tới 100 người tham gia. Tuy nhiên, không ít trường hợp người nhận tạng đã lên bàn mổ nhưng người nhà bệnh nhân chết não lại không đồng ý, chúng tôi phải dừng lại” - ông Nghĩa chia sẻ.
Phẫu thuật ghép tạng tại Bệnh viện Việt Đức được bắt đầu từ năm 2002 với ca ghép thận đầu tiên từ người hiến tạng khỏe mạnh. Đến năm 2007, bệnh viện đã thực hiện thành công lần đầu tiên tại Việt Nam trường hợp ghép gan cho người lớn. Từ năm 2010, bệnh viện đã triển khai kỹ thuật lấy đa tạng từ người cho đã chết não để ghép cho các bệnh nhân nhận tim, gan, thận và phổi…
Tới nay, nước ta có khoảng 170.000 người đăng ký hiến mô tạng, so với dân số 100 triệu người. GS Trần Bình Giang bày tỏ mong muốn, người dân sẽ ngày càng cởi mở hơn với vấn đề hiến tạng. Một cuộc đời không may dừng lại, nguồn tạng hiến sẽ giúp hồi sinh nhiều cuộc đời mới. Hy vọng rằng những hành động nhân văn này sẽ ngày càng lan tỏa, để ngày càng có nhiều người bệnh được hồi sinh.