Nhận biết trầm cảm sau sinh
Rất nhiều chuyện đau lòng đã xảy ra mà nguyên nhân do bà mẹ bị trầm cảm sau sinh. Thế nhưng, ước tính cho thấy, khoảng 50% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh không được chẩn đoán bởi chuyên gia y tế.
Mới đây, vụ án người mẹ trẻ ở Nam Định dìm 2 con nhỏ xuống sông khiến cả 2 cháu tử vong đã khiến dư luận bàng hoàng, xót xa. Kết quả điều tra ban đầu xác định, người mẹ là Vũ Thị L. (SN 1991, trú tại huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) là giáo viên tiểu học. Tháng 9/2022, chị L. có biểu hiện trầm cảm, không muốn tiếp xúc với mọi người xung quanh. Tháng 12/2022, chị L. có đơn và được trường giải quyết cho nghỉ việc.
Sau đó, chị L. được chồng đưa đến Bệnh viện Bạch Mai khám và được chẩn đoán mắc bệnh “Rối loạn thần cấp và nhất thời” và yêu cầu nhập viện để theo dõi, điều trị nhưng chị L. không đồng ý. Bệnh viện kê đơn thuốc điều trị tại nhà, hẹn sau 10 ngày đến khám lại. Nhưng sau 10 ngày điều trị, chị L. thấy biểu hiện bệnh giảm dần nên không đi khám lại. Đến ngày 6/3, chị L. nảy sinh ý định tự tử nhưng lo sợ không có ai chăm sóc 2 con gái còn nhỏ, nên đã có ý định tự tử cùng với 2 người con…
Cũng trong tháng 3 năm nay, tại Bệnh viện Sản nhi Phú Thọ đã xảy một trường hợp tử vong do rơi từ tầng 7 tòa nhà chính của bệnh viện. Nạn nhân là chị N.T.M.P. (SN 1989, trú tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) mới sinh con được khoảng 2 tháng. Theo một số nguồn thông tin từ bệnh viện, nạn nhân nghi mắc chứng trầm cảm sau sinh, đã ngồi rất lâu trước khi để lại áo, điện thoại di động và nhảy từ tầng 7 xuống…
Theo Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, 80% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh sẽ hồi phục hoàn toàn nếu được quan tâm, điều trị đúng mức, nhưng hiện nay có khoảng 50% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh không được chẩn đoán bởi chuyên gia y tế.
PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trầm cảm sau sinh là tình trạng người phụ nữ bị rối loạn cảm xúc, hay có suy nghĩ tiêu cực, mệt mỏi, buồn chán và lo lắng về nhiều vấn đề trong cuộc sống. Bệnh lý này có thể ở mức nhẹ, vừa hoặc nặng, tự khỏi hoặc thậm chí sẽ không thể tự hết nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.
“Theo các nghiên cứu, 80% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh sẽ hồi phục hoàn toàn nếu được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều trường hợp phụ nữ bị trầm cảm sau sinh chưa được phát hiện và điều trị kịp thời, dẫn đến những hậu quả nặng nề về thể chất và tinh thần” – BS Tuấn nói.
TS.BS Vũ Thy Cầm - Trưởng Phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Hiện nay, việc điều trị trầm cảm sau sinh có thể sử dụng liệu pháp tâm lý, điều trị bằng nội tiết tố, liệu pháp sốc điện (cho những trường hợp không đáp ứng với thuốc chống trầm cảm, có nguy cơ tự tử hoặc hại trẻ sơ sinh, trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần) hoặc liệu pháp hóa dược (sử dụng thuốc chống trầm cảm, thuốc giải lo âu).
Theo các chuyên gia, phụ nữ sau sinh cần học cách thư giãn, giải tỏa căng thẳng mệt mỏi. Người mẹ không nên áp đặt bản thân làm những việc quá sức, không nên quá kỳ vọng để trở thành người mẹ hoàn hảo, cố gắng ngủ đủ giấc, tranh thủ nghỉ ngơi khi con đang ngủ, dành thời gian chăm sóc bản thân, gặp gỡ bạn bè, người thân. Khi có dấu hiệu trầm cảm cần được khám sớm tại chuyên khoa tâm thần, tránh để tình trạng bệnh quá nặng gây khó khăn trong điều trị.
“Sự đồng hành của gia đình với phụ nữ sau sinh rất quan trọng để hỗ trợ kịp thời về mặt tâm lý. Gia đình nên dành thời gian quan tâm, chăm sóc phụ nữ sau sinh, đặc biệt là người chồng cần phải luôn luôn lắng nghe, cảm thông và tạo điều kiện cho người vợ có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng hợp lý” - TS. BS Vũ Thy Cầm nhấn mạnh.