Cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1: Nên hay không?
Nhiều gia đình cho trẻ đi học chữ trước khi vào lớp 1. Đây là lựa chọn phổ biến diễn ra nhiều năm qua và vẫn tiếp tục nở rộ.
Cân nhắc học chữ
Thời điểm sau Tết, những phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 bên cạnh việc cân nhắc chọn trường cho con thì cũng băn khoăn với vấn đề có nên cho con đi học trước hay không. Trong khi, các trung tâm dạy tiền tiểu học nở rộ, giáo viên tiểu học, giáo viên mầm non cũng mở lớp và chiêu sinh thì phụ huynh thật khó để thờ ơ. Nhất là khi cùng độ tuổi mầm non như con mình, bé hàng xóm đã biết đọc sách, làm toán thoăn thoắt trong phạm vi 10…
Dù đã tham khảo ý kiến cả giáo viên và các phụ huynh có con đã học qua lớp 1 nhưng chị Lã Vi Thảo (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn quyết định cho con đi học chữ trước ở nhà cô giáo. Lý do là vì chị sẽ đăng ký học cho con đúng tuyến ở trường công lập gần nhà. Chị cũng đã “nhắm” trước cô giáo định xin học nhưng được biết, năm nào lớp cô cũng trên 50 học sinh nên để vào năm học mới học, chắc cô giáo khó mà cầm tay, uốn nắn từng nét chữ cho con.
Cũng là phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1, anh Bùi Hoài Phương (quận Hà Đông, Hà Nội) khẳng định, vợ chồng anh đã thống nhất sẽ cho con đi học trước. “Cháu lớn nhà tôi đang học lớp 2. Mặc dù tôi có cho cháu đi học trước, nhưng khi đó dịch Covid-19 bùng phát nên các lớp học tiền tiểu học cũng theo hình thức online. Đến cả học chính khóa cũng online nên bố mẹ rất vất vả, căng thẳng vì phải kèm con học mỗi ngày. Hy vọng đến cháu thứ 2 này sẽ đỡ mệt mỏi hơn” – anh Phương nói.
Cũng vì lo không có phương pháp sư phạm, lo con thua kém bạn bè nên nhiều bậc cha mẹ cho con đi học chữ trước ở nhà thầy cô. Mặc dù vẫn có một số phụ huynh cho rằng, cứ để trẻ phát triển tự nhiên, không nên “chưa biết bò đã lo học chạy”. Thời gian đầu vào lớp 1, con có thể chậm hơn các bạn khác nhưng sau đó sẽ đuổi kịp và thích nghi dần… Tuy nhiên, trên thực tế, ai cũng mong muốn cho con có một khởi đầu tốt nhất nên dù ngay cả trong thời điểm dịch bệnh, chuyển sang học online thì các phụ huynh vẫn không ngừng tìm kiếm lớp học thêm cho con chuẩn bị vào lớp 1.
Giảm hứng thú cho trẻ
Là người có thâm niên 36 năm công tác trong ngành giáo dục tiểu học, bà Phạm Thị Yến - nguyên là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Công B (Hà Nội) cho biết, cô đã tư vấn cho rất nhiều phụ huynh về việc không nên cho trẻ đi học trước khi vào lớp 1. Vì con chưa biết chữ, chưa biết đọc, biết viết nên mới cần phải đến trường, phải đi học. Nếu các con đã học trước, biết rồi trong khi đến lớp, thầy cô vẫn bắt đầu dạy từ những nét chữ, những vần đầu tiên do chương trình đã quy định, dễ gây tâm lý chủ quan cho trẻ rằng đi học dễ quá, biết hết rồi. Từ đó, trẻ không chú ý lắng nghe, không tập trung vào phần cô giáo giảng… Để bắt nhịp với những kiến thức mới, trẻ lại cảm thấy khó khăn. Chính giáo viên khi phải đưa học sinh đó vào nền nếp cũng rất khó khăn hơn so với các bạn chưa học trước.
Về phía phụ huynh, bà Yến cho rằng tâm lý lo lắng con bỡ ngỡ với chương trình, môi trường mới khi chuyển từ bậc mẫu giáo sang tiểu học là hoàn toàn có thể thông cảm. Vấn đề ở đây đó là cha mẹ cần chuẩn bị cho con những tâm thế, kỹ năng trước khi vào lớp 1. Đó là rèn kỹ năng giờ giấc, tối đi ngủ đúng giờ, sáng dậy sớm, hướng dẫn các con chuẩn bị đồ dùng, sách vở, tự vệ sinh cá nhân… Cha mẹ hoàn toàn có dạy và trang bị cho con để trẻ không bỡ ngỡ khi chuyển cấp học thay vì miệt mài, gò ép đưa con đến các lớp học chữ chưa phù hợp với tâm sinh lý, lứa tuổi của con.
Với ý kiến cho rằng có thể chương trình lớp 1 nặng so với trẻ nên phải cho con đi học trước, bà Yến cho rằng chương trình đã được quy định để dạy học cho mọi đối tượng học sinh từ miền núi đến miền xuôi nên không thể nói là nặng. Nếu có nặng là do áp lực, kỳ vọng của cha mẹ với trẻ quá nhiều so với khả năng nhận thức của trẻ tại thời điểm đó.
“Thông tư 22 được áp dụng đã không cho điểm thường xuyên cũng giảm áp lực cho phụ huynh và học sinh. Cha mẹ cần đồng hành, cổ vũ, động viên con. Hàng ngày cha mẹ có thể cùng con xem lại bài học, chuẩn bị bài mới theo thời khóa biểu, hỏi han con xem việc học ở lớp ra sao. Đừng áp lực quá, việc học nên diễn ra nhẹ nhàng, khoảng từ 30 phút đến 1 tiếng để giúp con hiểu kỹ bài, tự tin hơn” - bà Yến chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội cho rằng, phụ huynh không cần đưa con đến các lò luyện thi tiền lớp 1. Để chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1, tốt nhất, ngay từ bây giờ, bố mẹ, ông bà nội, ông bà ngoại tập trung “luyện ăn”, "luyện ngủ" cho con, cho cháu. Ngay trong cuộc đua đầy căng thẳng vào ngôi Trường Marie Curie hàng năm, học sinh cũng không kiểm tra, không đánh giá kiến thức và kỹ năng môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh mà chú trọng khả năng tập trung trong giờ học, tự tin và hợp tác với giáo viên; tự lực và có nếp ăn, nếp ngủ tốt; có năng khiếu, năng động và tính đồng đội trong hoạt động tập thể. Đây đều là những tố chất cần được bố mẹ rèn luyện, hướng dẫn con mỗi ngày, không khóa học một vài tháng nào có thể trang bị được.