Thay đổi để tăng cường sức chống chịu
Tình hình kinh tế thế giới và khu vực dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, khó đoán. Theo các chuyên gia kinh tế, đây là thách thức lớn, vì vậy doanh nghiệp cần chú trọng tăng cường khả năng thích ứng, sẵn sàng với những thay đổi lớn và chống chịu tốt hơn với những khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) tỉnh Hưng Yên cho biết tình hình kinh doanh đang rất khó khăn. Lợi nhuận không thể đủ trả nợ, nhiều DN cần được giãn nợ, hoãn nợ, nếu không có thể dẫn đến phá sản.
Theo ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may - thêu đan TPHCM thì không chỉ lãi suất cho vay quá cao, ngân hàng kiểm soát chặt vốn tín dụng mà một số ngân hàng còn định giá lại tài sản thế chấp chỉ bằng 50% giá trị tài sản năm ngoái rồi giảm hạn mức tín dụng của DN, càng khiến DN khó khăn hơn. Hiện nhiều DN chỉ sản xuất cầm chừng.
Doanh nghiệp thiếu vốn
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính chung 2 tháng đầu năm 2023, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38.800 DN, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, còn có 9.400 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 5,8%; 3.200 DN hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 1,6%. Tính ra tổng DN rút lui khỏi thị trường trong 2 tháng qua là 51.400 DN, tăng 14,5%. Bình quân một tháng có 25.700 DN rút lui khỏi thị trường.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng những tháng đầu năm 2023 tiếp tục là giai đoạn khó khăn của cộng đồng DN, đặc biệt DN khu vực tư nhân trong nước, hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục có khả năng bị thu hẹp do áp lực về dòng tiền ngắn hạn, lãi vay và thị trường xuất khẩu…
Trong khi đó, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cho biết đơn hàng mà các DN ngành thủy sản ký được vẫn chưa nhiều. Tính ra chỉ riêng tháng 1/2023 kim ngạch xuất khẩu tôm tiếp tục đà giảm sâu theo xu hướng của quý cuối năm 2022, cụ thể là giảm đến 46% so với cùng kỳ năm 2022. Tình trạng sụt giảm này được lý giải là do các thị trường tiêu thụ lớn tiếp tục chịu ảnh hưởng của lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ giảm. Không chỉ vậy, các cường quốc nuôi tôm như Ecuador và Ấn Độ đã hồi phục sản lượng, tạo ra mức cung lớn với giá thành cạnh tranh hơn tôm của Việt Nam.
Chia sẻ với báo giới, ông Vũ Đình Hồng - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Cơ khí chính xác Thăng Long nói rằng do tiếp cận nguồn vốn khó khăn, tới thời điểm này, DN đã tạm đóng cửa Nhà máy được 4 - 5 tháng, gần 400 lao động phải nghỉ việc không lương. Do DN không cung cấp được hàng hóa theo các hợp đồng ký kết, bị các chủ đầu tư phạt tiền… khiến khó chồng lên khó.
Từ quý III/2022 khi bùng nổ lạm phát ở châu Âu và Mỹ, lượng đơn hàng dệt may giảm sút nhanh chóng. Những tháng cuối năm 2022 số lượng đơn hàng xuất khẩu sụt giảm khoảng 25% thì qua quý I/2023 mức độ sụt giảm lên tới 30 - 40%. Chính vì vậy mà tình hình lao động việc làm đầu năm 2023 khác hẳn mọi năm. Thay vì lo lắng thiếu lao động thì năm nay hầu hết lao động đều quay lại nhà máy đúng hẹn để giữ việc làm nhưng DN lại không có đủ đơn hàng để vận hành hết các dây chuyền sản xuất.
Ông Hồng kiến nghị các cơ quan chức năng tăng tốc, quyết liệt hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN. Nếu những khó khăn không được giải quyết, DN sẽ phá sản chứ không chỉ là đóng cửa tạm dừng hoạt động như hiện nay.
Giai đoạn hiện tại và thời gian tới, cộng đồng DN cho rằng đang gặp khó khăn. Đáng chú ý, đã xuất hiện tình trạng suy giảm các đơn hàng xuất khẩu, đặc biệt trong các ngành may mặc, da giầy… vốn là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2023, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ chậm lại do nhu cầu tại Hoa Kỳ và khu vực EU yếu đi. Bên cạnh đó, một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam chuyển dần sang áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững một cách chặt chẽ hơn cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu
Trong khi đó, khoảng 97-98% DN Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ. Hầu hết các DN này đều gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận tài chính chính thức. Mặt khác, những khó khăn trên thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu thời gian vừa qua đã làm giảm đáng kể khả năng tiếp cận vốn của các DN thông qua các kênh này.
Chủ động vượt khó
Khác với trước đây, khi gặp khó khăn các DN thường vạch ra kế hoạch ứng phó dựa trên các dự báo về khả năng và thời gian phục hồi, đợt suy giảm đơn hàng từ nửa sau năm 2022 đến nay được các chuyên gia và DN đánh giá là khó lường trước diễn biến tiếp theo. Không chỉ có dệt may, mà các DN xuất khẩu đồ gỗ, nội thất cũng đang gặp tình cảnh tương tự khi đơn hàng trong quý I/2022 chưa có tín hiệu khả quan.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, trong giai đoạn khó khăn các DN vẫn đang nỗ lực tìm cách xoay sở để thích ứng nhằm duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Nhiều DN phải tái cơ cấu. Và để hỗ trợ cho cộng đồng DN, giới chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần đơn giản hóa thủ tục hành chính hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn được thuận lợi hơn.
Còn theo ông Đậu Anh Tuấn (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) trong bối cảnh khó khăn chung càng phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Giải pháp này sẽ hỗ trợ được rất nhiều DN giảm chi phí, công bằng và hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững hơn.
Ông Tuấn cũng cho rằng, Việt Nam cần ban hành những chính sách bảo hộ thị trường một cách phù hợp, khuyến khích DN trong nước phát triển là yếu tố rất quan trọng.
Ông Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, việc tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN là rất cần thiết. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc nâng cao năng lực cạnh tranh trở thành vấn đề sống còn của DN. Vì vậy cần đẩy mạnh hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế chính sách đối với DN. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện giảm chi phí kinh doanh cho DN, trước hết là chi phí bất hợp lý. Còn đối với DN, cần phải chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa sự hỗ trợ của Nhà nước để nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường hội nhập, phát triển.
Trong khi đó bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, khó khăn của DN như tăng trưởng chậm lại ở những thị trường xuất khẩu chủ lực, tình trạng suy giảm các đơn hàng xuất khẩu, hay việc thay đổi về tiêu chuẩn xanh của các thị trường. Cùng với đó là vấn đề tiếp cận vốn của DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chất lượng lao động chưa phù hợp…Do vậy, để giải quyết các thách thức, cần nâng cao chất lượng tư vấn, nhận thức cho DN để chuyển đổi và thích ứng với tình hình mới.
Để giúp doanh nghiệp đứng vững trong giai đoạn khó khăn hiện nay, tạo động lực tiếp tục chiến lược phục hồi kinh tế, Chính phủ, bộ, ngành và địa phương đã đồng loạt triển khai các chương trình hỗ trợ. Đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh năm 2023 (Nghị quyết 01/CP-NQ 2023). Theo đó, Chính phủ xác định tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Chú trọng triển khai giải pháp lành mạnh hóa, phát triển an toàn, bền vững các thị trường tiền tệ, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản. Tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...
TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội:
Chính sách hỗ trợ vẫn còn khoảng cách so với thực tế
Chính phủ đã có phản ứng rất nhanh nhạy, kịp thời hỗ trợ DN thông qua các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế, thuê đất, đối thoại với DN, lắng nghe các khó khăn của DN... Các chính sách này đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với DN, nhất là cộng đồng DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, nhiều chính sách hỗ trợ được đánh giá hữu ích nhưng còn khoảng cách khá xa từ chủ trương đến triển khai thực tế. Nên theo tôi, các chính sách khi ban hành nên tính toán dài hơi, không nên thay đổi nhiều và phải đi vào thực tế một cách hiệu quả với DN. Việc hỗ trợ phục hồi DN cần ưu tiên những ngành, lĩnh vực đóng vai trò dẫn dắt để không bị đứt chuỗi giá trị cung ứng như ngành lương thực, thực phẩm, công nghiệp nhẹ, công nghệ thông tin. Ngoài ra, cộng đồng DN luôn mong muốn môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện theo hướng cắt giảm các điều kiện không cần thiết, minh bạch hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN.