Lãi cho vay giảm chậm
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, việc xem xét quyết định về lãi suất cho vay là do các ngân hàng và khách hàng thỏa thuận theo cung cầu vốn thị trường và mức độ tín nhiệm của khách hàng.
Nhiều chuyên gia cũng như doanh nghiệp (DN) cho rằng, khi có chủ trương giảm lãi suất tiền gửi thì ngay sau đó đồng loạt các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất tiền gửi, kể cả những người đã gửi trước và người gửi sau.
Tuy nhiên, khi có chủ trương giảm lãi suất tiền vay thì các ngân hàng lại kéo dài thời gian rất lâu mới thực hiện giảm cho đối tượng vay trong thời điểm đó, còn đối tượng vay trước thì không được giảm.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng cơ quan quản lý là NHNN cần giải thích và chỉ đạo giải quyết bất cập nói trên nhằm đảm bảo công bằng cho khách hàng của hệ thống ngân hàng.
Phía NHNN cho biết, đối với lãi suất tiền gửi, theo quy định hiện hành, NHNN quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 6 tháng bằng VND và việc áp dụng mức lãi suất tiền gửi cụ thể là do tổ chức tín dụng (TCTD) xem xét quyết định trên cơ sở cung cầu vốn thị trường, tình hình hoạt động của TCTD.
Trường hợp lãi suất thị trường có biến động hoặc NHNN điều chỉnh các mức lãi suất điều hành dẫn đến việc TCTD điều chỉnh tăng hoặc giảm lãi suất tiền gửi, thì khách hàng vẫn tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận đã cam kết về lãi suất cho đến ngày đáo hạn khoản tiền gửi. Đối với lãi suất cho vay, theo quy định hiện hành, việc xem xét quyết định về lãi suất cho vay là do TCTD và khách hàng thỏa thuận theo cung cầu vốn thị trường và mức độ tín nhiệm của khách hàng.
Tương tự như lãi suất tiền gửi, trường hợp TCTD điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, đối với các khoản vay mà TCTD và khách hàng đã thỏa thuận về lãi suất, thì TCTD tiếp tục áp dụng lãi suất đã thỏa thuận cho tới hết thời hạn khoản vay hoặc đến hết kỳ hạn trả lãi theo thỏa thuận cho vay giữa TCTD và khách hàng.
Hiện, NHNN đang quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam (ở mức 5,5%/năm) của TCTD đối với một số lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao). Bên cạnh đó, NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ DN, cá nhân phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ghi nhận trên thực tế cho thấy nhiều ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất huy động. Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) thông báo tiếp tục giảm lãi suất huy động lần thứ tư liên tiếp kể từ đầu năm tới nay. Theo đó, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức kịch trần 6%/năm, kỳ hạn 6 tháng đã rơi xuống còn 7,9%/năm, giảm 0,2 điểm % so với trước đó; kỳ hạn 7 tháng trở lên dao động từ 8 - 8,9%/năm, giảm từ 0,3 - 0,6 điểm % so với hồi đầu tháng 3.
Hiện, mức lãi suất cao nhất của nhà băng này là 9%/năm đối với tiết kiệm thông thường có kỳ hạn từ 36 tháng trở lên, giảm 0,3 điểm % so với đầu tháng. Như vậy, sau 4 lần điều chỉnh, lãi suất huy động tại Viet Capital Bank đã giảm 1 - 2%/năm tùy từng kỳ hạn.
Trước đó, một loạt ngân hàng thương mại khác cũng đồng loạt công bố giảm mạnh lãi suất huy động. Tại VietABank, biểu lãi suất huy động mới công bố đã giảm tới 0,5 điểm % ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, dao động từ 8,5% - 8,8%/năm. Kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng đang có lãi suất cao nhất là 8,8%/năm.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN và nền kinh tế. Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 5,0%/năm tạo điều kiện để DN và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.