Cơ hội để ngành gạo bứt phá
Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, từ đầu năm 2023 đến giữa tháng 3/2023, gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam nhiều lần đạt mức giá 468-472 USD/tấn. Đây được coi là thắng lợi của ngành lúa gạo Việt Nam trong quá trình cơ cấu lại, chuyển từ chú trọng số lượng sang chú trọng chất lượng.
Nhận định của Bộ Công thương giá gạo xuất khẩu tăng cao trong thời gian qua có nguyên nhân từ nhu cầu nhập khẩu tăng từ các quốc gia do chính sách bảo đảm an ninh lương thực. Trong khi đó, do Ấn Độ vẫn áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với các lô hàng gạo trắng xuất khẩu cho nên khách hàng đang tìm tới thị trường có giá cạnh tranh hơn, trong đó có Việt Nam.
Mặt khác, từ đầu tháng 1/2023, Trung Quốc mở cửa lại biên giới sau thời gian dài hạn chế giao thương do dịch Covid-19 cũng khiến lượng gạo nhập khẩu của nước này tăng lên đáng kể. Ngoài những lý do khách quan đó, lý do chủ quan hết sức quan trọng, đó là chất lượng gạo của Việt Nam đã và đang không ngừng được nâng cao. Trong cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu thì hiện lượng gạo thơm, gạo chất lượng cao đứng vị trí hàng đầu.
Tại thị trường trong nước, theo khảo sát tại An Giang, lúa IR 50404 có giá khoảng 5.900 - 6.050 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg. Hiện lúa Đài thơm 8 được thương lái thu mua với giá từ 6.400 - 6.600 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Tại chợ An Giang, mặt hàng gạo chững giá. Trong đó, gạo thường có giá trong khoảng 11.500 - 12.500 đồng/kg. Giá gạo trắng thông dụng duy trì ở mức 14.500 đồng/kg. Gạo Sóc thường được thương lái thu mua với giá 15.000 đồng/kg. Giá gạo thơm Jasmine trong khoảng 15.000 - 16.000 đồng/kg. Giá gạo Nàng Hoa tiếp tục ở mức 18.500 đồng/kg. Gạo Sóc Thái có giá 18.000 đồng/kg. Giá gạo thơm Thái hạt dài được bán với giá trong khoảng 18.000 - 19.000 đồng/kg. Gạo Hương Lài có giá 19.000 đồng/kg. Gạo thơm Đài Loan ở mức 20.000 đồng/kg; gạo Nàng Nhen và gạo Nhật có cùng mức 22.000 đồng/kg.
Có thể thấy thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng có sự chuyển hướng linh hoạt và đa dạng. Theo chuyên gia từ Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), ngành lúa gạo Việt Nam đang có yếu tố thiên thời, địa lợi. Việc thời tiết thuận lợi đang tạo ra lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam so với đối thủ cạnh tranh.
Tuy nhiên, dù có nhiều tín hiệu lạc quan song thị trường vẫn còn những khó khăn tiềm ẩn liên quan đến giá cước vận tải biển cao, giá cả đầu vào sản xuất lúa gạo cao. Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận, mặc dù châu Á, châu Phi là những thị trường truyền thống, DN đã am hiểu song muốn đi đường dài phải có chiến lược cụ thể cho từng thị trường. Bên cạnh đó, DN rất cần sự hỗ trợ từ các bộ, ngành, tham tán thương mại về công tác xúc tiến thương mại ở cả thị trường quen thuộc cũng như thị trường mới.
Để đón đầu cơ hội xuất khẩu gạo năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các vùng trọng điểm sản xuất lúa, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện canh tác lúa ưu tiên các giống lúa ngắn ngày chất lượng cao, giống lúa thơm phù hợp với yêu cầu của thị trường; giảm tỷ lệ các giống lúa chất lượng trung bình và lúa nếp.
Nhận định của Bộ Công thương, gạo là một trong những mặt hàng có giá xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ. Điểm đáng lưu ý là tháng 2/2023, giá gạo xuất khẩu tại các thị trường chủ chốt ở châu Á diễn biến trái chiều. Trong khi giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đi xuống, thì giá gạo của Việt Nam và Ấn Độ tăng lên mức cao nhất trong gần 2 năm.