Gỡ khó để xây dựng môi trường xanh
Là đô thị đông dân nhất cả nước, hàng năm TPHCM đứng trước áp lực phải xử lý một lượng rác thải đô thị tăng từ 10 - 15%/năm. Ở thời điểm hiện tại, mỗi ngày thành phố phải xử lý khoảng 9.500 tấn rác thải sinh hoạt/ngày và dự báo tiếp tục gia tăng qua từng năm.
Còn nhiều “điểm đen” xả rác
Nhiều ngày gần đây, khu vực gầm cầu Bình Lợi (TP Thủ Đức, TPHCM) bỗng nhiên trở thành điểm tập kết nhiều rác thải, phế liệu, gây ô nhiễm môi trường các khu dân cư 2 bên tuyến đường Phạm Văn Đồng.
Theo bà Phạm Thị Cúc (57 tuổi, ngụ phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức), cứ vào buổi chiều khi đi dạo dọc theo đoạn sông khu vực cầu Bình Lợi luôn phải hứng chịu mùi hôi của rác thải. “Thói quen xả rác bừa bãi và các khu vực dân cư chưa có thùng phân loại rác tại nguồn là nguyên nhân dẫn tới việc ứ đọng rác tại đây” - bà Cúc cho biết.
Cách đó không xa, tình trạng rác thải cũng phủ kín mặt kênh Hy Vọng (quận Tân Bình, TPHCM). Theo bà Trịnh Kim Bình (62 tuổi, ngụ phường 15, quận Tân Bình), dự án cải tạo kênh Hy Vọng dài khoảng 2km, được thông báo cải tạo thành mương hở, kết hợp làm đường giao thông mỗi bên rộng 6m và trồng cây xanh 2 bên đường. Thế nhưng, đã nhiều năm nay khu vực kênh vẫn chưa cải thiện được tình trạng ô nhiễm.
Theo báo cáo của Sở Tài Nguyên và Môi trường TPHCM, hiện nay dù đã có 95% các đường dây thu gom rác được chuyển đổi thành doanh nghiệp, HTX. Thế nhưng, thực tế các đường dây thu gom rác này vẫn hoạt động theo mô hình cũ, thu gom nhỏ lẻ, thời gian thu gom giữa các tuyến cũng không thống nhất gây ùn ứ rác,…
Đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM cho biết, hiện mới có khoảng từ 20-25% phường, xã, thị trấn triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Đối với chủ hộ nguồn thải hộ gia đình thì lực lượng công lập chỉ thu gom được khoảng 10% trên tổng số hộ gia đình của thành phố, 90% hộ gia đình còn lại do hệ thống dân lập tự thu gom.
Tìm giải pháp tháo gỡ
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - nguyên Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường, Ủy ban MTTQ TPHCM cho rằng, nguyên nhân đến từ dân số thành phố tăng cơ học khoảng 200.000 người mỗi năm, kéo theo lượng rác thải đô thị xả ra hàng năm cũng tăng từ 10-15%. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải tại nguồn còn chậm, dù các chương trình, dự án rác thải sinh hoạt xử lý bằng công nghệ mới hiện đại đã được đặt ra từ lâu nay.
Để tháo gỡ trong vấn đề thu gom rác tại nguồn, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho hay, hiện nay thành phố đã triển khai được một số dự án chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sang đốt phát điện. Trong số này, 2 dự án chuyển đổi công nghệ có công suất từ 2.000 tấn/ngày, ngoài ra các dự án còn lại cũng đang thực hiện thủ tục pháp lý đầu tư dự án chuyển đổi công nghệ. Theo tính toán, tổng công suất xử lý sau khi chuyển đổi công nghệ của các dự án này vào khoảng 7.500 tấn/ngày, sẽ tháo gỡ một phần đối với công tác xử lý rác thải của TPHCM hiện nay.
Ông Thắng cho biết, vừa qua UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố phối hợp cùng các sở, ngành liên quan xây dựng quy trình chung về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP), làm cơ sở triển khai thực hiện lựa chọn nhà đầu tư dự án xử lý rác với tổng công suất từ 2.000 tấn/ngày. Với những quyết tâm cụ thể, thành phố đặt chỉ tiêu đạt 80% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đến năm 2025.
Theo nhiều chuyên gia, bên cạnh việc chuyển đổi công nghệ mới, TPHCM cần giải quyết các bất cập còn tồn tại trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng thu gom rác ở từng phường, xã, thị trấn, hoàn thiện năng lực của các đơn vị thu gom rác chính quy.