Hồi sinh những dòng sông ô nhiễm
Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, Quy hoạch lưu vực sông Hồng - Thái Bình, sông Cửu Long đã được Chính phủ phê duyệt được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá, thay đổi trong công tác cải tạo, phục hồi các dòng sông ô nhiễm. Việt Nam có mạng lưới sông ngòi với tổng chiều dài hơn 41.900 km; khoảng 2.360 con sông có chiều dài trên 10km. Vì thế việc bảo vệ và khai thác hợp lý các dòng sông là vấn đề rất quan trọng.
Trước đó, ngày 23/6/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 36-KL/TW về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó đặc biệt chú ý tới việc cải tạo, phục hồi các dòng sông suy thoái cạn kiệt, ô nhiễm.
Liên quan đến vấn đề này, theo ông Hoàng Văn Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, thì chính quyền và người dân đô thị đều ủng hộ chủ trương cải tạo các sông trong nội đô bởi chúng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đây cũng là nhiệm vụ đặt ra đối với Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với việc đưa ra giải pháp “hồi sinh” các dòng sông ô nhiễm.
Lâu nay, việc các dòng sông bị ô nhiễm, dòng sông “chết” có thể coi là vấn nạn. Vì thế, PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Nước và Môi trường TPHCM đánh giá rất cao nỗ lực của chính quyền các đô thị, trong đó có TPHCM đã cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, giải tỏa các khu nhà “ổ chuột”, đặt hệ thống thu gom nước thải dưới lòng các con kênh. “Một số kênh, rạch đã trở lại hiện trạng gần như trước đây, tuy nhiên, nước thải lại được bơm ra sông chứ chưa được xử lý” - ông Tuấn nói và cho biết đáng lo là tỷ lệ nước thải được xử lý tại các đô thị còn thấp, như TPHCM chỉ được khoảng 10%. Thêm nữa vẫn chưa chấm dứt việc lấn chiếm kênh rạch, bờ sông.
Việt Nam có mạng lưới sông ngòi chằng chịt và đầy tiềm năng với tổng chiều dài hơn 41.900 km. Tổng cộng khoảng 2.360 con sông có chiều dài trên 10km. Sông ngòi nước ta có 2 mùa nước rõ rệt: mùa lũ và mùa cạn. Nước sông dâng cao và chảy mạnh vào mùa lũ.
Tuy rất có lợi thế về sông nước, nhưng do thiếu kiểm soát nên thời gian qua nhiều dòng sông bị ô nhiễm, biến thành sông “chết” do dòng chảy bị chặn lại. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng xử lý nước thải ở nước ta còn khá thấp, nước thải đô thị được xử lý chỉ chiếm tỷ lệ 12,5%. Cùng đó, nước thải công nghiệp và nông nghiệp cũng chưa được xử lý theo yêu cầu. Có tới gần 2.000 con sông đang “gặp vấn đề”. Nói như kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) thì “dân của Đồng bằng sông Hồng gần 30 triệu người. Số lượng người dùng nước nhiều, nền kinh tế phát triển. Con người và nền kinh tế đang sống nhờ sông nhưng chiếm đi không gian để dòng sông chảy”.
Mực nước ngày một hạ thấp khi lòng sông ngày càng trũng sâu bởi những vòi rồng của hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra ở một số địa phương. Trong 20 năm trở lại đây, nước sông Hồng bình quân mỗi năm hạ đến 15cm. Dòng chính là sông mẹ cạn nước, những dòng sông con cũng ngừng chảy mà sông Nhuệ (một nhánh của sông Hồng) là ví dụ.
Với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hệ thống sông quan trọng nhất là sông Tiền và sông Hậu nhưng do biến đổi khí hậu và nạn khai thác cát bừa bãi đã gây sạt lở nghiêm trọng, Hà Bá “nuốt” nhiều nhà dân. Chưa hết, nhiều năm qua, triều cường theo các dòng sông đem mặn vào sâu nội đồng. Nhiều nhà máy xây dựng ngay bên bờ sông, xả thải bức tử dòng sông.
Ở đây, vai trò của chính quyền là rất lớn. Không thể nói chính quyền xã, huyện không biết những con tàu khai thác cát gầm rú trên sông còn trên bờ là những bát cát khổng lồ. Cũng không thể không biết nhà máy, cơ sở sản xuất xả thải trực tiếp xuống sông, nước đục đen, cá chết. Câu hỏi vì sao lại như vậy? Câu trả lời rất đơn giản là do một số cán bộ chính quyền đã làm ngơ, không loại trừ việc bắt tay trục lợi riêng.
Vì thế, để “những dòng sông đều chảy” thì việc trước tiên là phải xử lý trách nhiệm của cán bộ địa phương khi để xảy ra việc dòng sông chảy qua “quê mình” bị xâm hại, bức tử.
Chủ đề Ngày Nước thế giới năm nay là “Thúc đẩy sự thay đổi”. Theo số liệu của Liên hợp quốc, 3/4 diện tích bề mặt Trái đất được bao phủ bởi nước nhưng thế giới vẫn đang phải vật lộn với việc tiếp cận nước sạch. Hiện hơn 2 tỷ người trên thế giới thiếu nước sạch. 771 triệu người không được tiếp cận với nước sạch gần nơi sinh sống, khiến hàng triệu trẻ em gái phải đi bộ nhiều km mỗi ngày để lấy nước. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, 1,4 triệu người tử vong mỗi năm và 74 triệu người bị rút ngắn tuổi thọ do các bệnh liên quan đến nước bẩn và điều kiện vệ sinh kém. Trong khi nguồn cung nước sạch là hữu hạn, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo nhu cầu tiêu dùng nước toàn cầu sẽ tăng 55% vào năm 2050. Ước tính, đến năm 2050, sẽ có 5 tỷ người phải vật lộn để có đủ nước đáp ứng nhu cầu trong ít nhất một tháng mỗi năm.
Trong thông điệp nhân Ngày Nước thế giới 2023, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định “nước là huyết mạch của thế giới. Tuy nhiên, từng giọt nước, nguồn sống quý giá, đang bị đầu độc bởi ô nhiễm và cạn kiệt do lạm dụng”.