Tìm cách cứu ao, hồ
UBND thành phố Hà Nội đã chính thức phê duyệt danh mục 3.164 hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn thành phố. Các ao, hồ, đầm này nằm rải rác ở 30 quận, huyện, thị xã. Việc ban hành danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp nhằm siết chặt quản lý, công khai để người dân thực hiện, tránh tình trạng quy định không rõ ràng, khó xử lý vi phạm.
Theo danh mục được phê duyệt, quận Hoàn Kiếm có duy nhất hồ Gươm; quận Hai Bà Trưng có 9 hồ, ao; quận Ba Đình có 11 hồ, ao; quận Đống Đa có 15 hồ, ao. Huyện Quốc Oai có số lượng lớn nhất lên tới 276 hồ, ao.
UBND thành phố Hà Nội giao đơn vị liên quan có trách nhiệm kiểm tra, rà soát, đối chiếu danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp với quy hoạch xây dựng được cấp thẩm quyền phê duyệt; kiểm tra, phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm, sử dụng không đúng mục đích.
Trước đó, từ giữa năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị các địa phương trong cả nước lập danh mục ao, hồ, đầm, phá không được san lấp theo Luật Tài nguyên nước. Tuy nhiên, nhiều tỉnh, thành chưa thực hiện đề nghị này.
Với Hà Nội, đặc biệt là tại các quận trung tâm đất chật người đông, ao, hồ thực sự là “lá phổi xanh” điều hòa không khí, cũng là hệ thống sinh thái cảnh quan của Thủ đô. Thế nhưng, nhiều năm qua, không ít ao, hồ đã bị san lấp, lấn chiếm.
Các chuyên gia đô thị cho rằng việc các hồ nước bị san lấp bắt nguồn từ tình trạng “bê tông hóa”. Các công trình, dự án mọc lên từ những hồ nước tự nhiên bị san lấp. Hệ sinh thái bị ảnh hưởng, chất lượng cuộc sống của cư dân khu vực bị giảm sút. Nhiều giá trị văn hóa, lịch sử cũng bị phôi phai theo sự sụt giảm của hệ thống ao, hồ. Song, để cứu vãn những ao, hồ còn lại của Hà Nội cũng không hề dễ dàng.
Một báo cáo trước đây của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, chỉ tính riêng giai đoạn 2010 - 2015, Hà Nội có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn. Cụ thể, trong 6 quận nội thành, quận Đống Đa mất 4 hồ, quận Hai Bà Trưng mất đi 3 hồ, quận Cầu Giấy mất 8 hồ và quận Tây Hồ mất đi 2 hồ. Cùng đó, tổng diện tích mặt nước ao, hồ của Hà Nội giảm đi. Năm 2010 tổng diện tích mặt nước ao, hồ là 7.031.845 m2 nhưng đến năm 2015 chỉ còn 6.959.305 m2. Như vậy, so với năm 2010, diện tích mặt nước ao, hồ Hà Nội đã giảm đi 72.540 m2.
Đáng chú ý, ngoài việc bị san lấp để phục vụ cho các hoạt động xây dựng của các dự án thì ao, hồ tại Hà Nội cũng bị “bức tử” bởi hoạt động san lấp, lấn chiếm trái phép của một số cá nhân, tổ chức. Trên thực tế, dưới tác động của con người và quá trình đô thị hóa, diện tích ao, hồ của Thủ đô đang ngày càng bị thu hẹp. Hồ nước lớn nhất trong nội thành Hà Nội là Hồ Tây cũng không thoát được “cơn lốc bê tông hóa”. Trước đây, hồ rộng hơn 500 ha, nhưng sau khi kè bờ để làm đường (năm 2010), nay chỉ còn khoảng 460 ha.
Cách đây chưa lâu, hồi cuối năm 2021, gần 100 hộ dân thuộc tổ 11, 12 (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) đã gửi đơn kêu cứu, phản đối và tha thiết xin giữ lại 2 hồ tự nhiên Xuân Quế và Sơn Thủy (hồ Bà Đồ) có diện tích 12.000m2, đang đứng trước nguy cơ bị san lấp lấy mặt bằng để phân lô bán nền. Theo người dân, việc đánh đổi hồ nước, công viên, cây xanh để lấy mặt bằng làm khu đô thị, dự án thương mại hay việc lấp hồ tự nhiên cũ làm hồ mới là rất không nên.
Cũng không chỉ nội thành, ở các huyện tình trạng lấp ao, hồ để làm nhà cũng diễn ra gấp gáp trong những năm gần đây. Tại rất nhiều ngôi làng, bên bờ ao, hồ là những ngôi nhà bê tông, những căn nhà tạm bợ hay là những bãi rác. Vì thế, mưa xuống khả năng tiêu thoát, điều hòa nước bị giảm đi, khiến tình trạng ngập úng lan rộng. Phố biến thành sông đã đành, đến ngay cả đường làng cũng bì bõm nước mỗi khi mưa to.
Trở lại với việc UBND thành phố Hà Nội phê duyệt danh mục 3.164 hồ, ao, đầm không được san lấp cho thấy đây là một nỗ lực đáng ghi nhận. Tuy nhiên, sức ép “lấp ao hồ lấy đất làm nhà” rất lớn. Vì vậy muốn giữ được những ao hồ còn sót lại cần phải có chế tài đủ mạnh đối với các vi phạm, và nhất là cần phải lắng nghe ý kiến của người dân. Nếu không, ao hồ vẫn sẽ bị san lấp.