Gặp khó khi tái thiết
Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu quá trình tái thiết sau trận động đất lịch sử hồi tháng trước, tại Syria, quá trình vẫn còn ngổn ngang do thiếu nguồn lực và khó khăn trong việc đi lại.
Thiếu nguồn lực
Ông Hussein Mankawi, người dân ở TP Jandaris phía Tây Bắc Syria cho biết, có rất ít hy vọng có thể xây dựng lại nhà cửa và cơ sở kinh doanh phân phối thực phẩm của mình sau khi chúng bị trận động đất tàn phá, biến thành đống đổ nát hồi tháng trước, giờ đây ông hoàn toàn trắng tay.
Sau trận động đất khủng khiếp hôm 6/2, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết nỗ lực xây dựng lại hơn 300.000 ngôi nhà trong năm đầu tiên. Trong khi đó, Chính phủ Syria đã thành lập một quỹ bồi thường cho các nạn nhân và cung cấp nhà ở tạm thời cho những người phải di dời. Nhưng sự giúp đỡ này khó có thể đến được phía Tây Bắc Syria, một vùng đất do phiến quân đối lập chống chính phủ kiểm soát và là nơi sinh sống của 4,5 triệu người, 2 triệu người trong số đó sống tạm bợ trong các lều trại ngay cả trước khi trận động đất xảy ra.
Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, hơn 100 nghìn người trong khu vực này đã phải sơ tán kể từ khi trận động đất xảy ra vào ngày 6/2.
Trên bờ vực của cảnh túng quẫn và không còn nơi nào để quay đầu, các cư dân đang cố gắng tự xoay xở. Anh Mankawi đang tìm cách vớt vát những tài sản còn sót lại với sự giúp đỡ của một doanh nhân địa phương, người đã đồng ý dọn dẹp đống đổ nát từ ngôi nhà của anh để đổi lấy những kim loại tìm được bên trong nó. Thỏa thuận này thể hiện rõ những khó khăn, chật vật mà người dân nơi đây đang trải qua.
Tuy nhiên, thiệt hại sau động đất ở Syria không chỉ dừng lại ở mất mát nhà. Ông Mahmoud Haffar - người đứng đầu hội đồng địa phương cho biết, tại Jandaris - một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, một nửa trong số 48 trường học, cũng như hơn 20 km mạng lưới cấp nước, vệ sinh và hầu hết các con đường của thành phố cần được xây dựng lại hoặc sửa chữa, nhưng theo ông Mahmoud Haffar, chính quyền địa phương không có nguồn lực để xây dựng lại. “Thành thật mà nói, khả năng của địa phương rất hạn chế, việc tái thiết rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế” – ông Mahmoud Haffar chia sẻ.
Các nhà tài trợ tại một hội nghị do EU tổ chức hôm 20/3 đã cam kết tài trợ 7 tỷ Euro (7,5 tỷ USD) để giúp tái thiết Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng khối này có các biện pháp trừng phạt đối với chính phủ Damascus, do vậy họ sẽ chỉ tài trợ cho công tác hỗ trợ nhân đạo và phục hồi sớm chứ không tái thiết toàn diện chừng nào không có đối thoại chính trị giữa Tổng thống Assad và các phe đối lập của ông.
Theo 3 nhà ngoại giao đang làm việc tại Syria, các khoản tài trợ của các chính phủ nước ngoài cho hoạt động tái thiết nằm trong khu vực do quân nổi dậy nắm giữ phải đối mặt với nhiều trở ngại hơn. Sự hiện diện của các nhóm vũ trang đối địch trong khu vực là một trong những vấn đề chính, trong khi nhóm mạnh nhất, Hayat Tahrir al-Sham, đã bị Mỹ và LHQ liệt vào danh sách tổ chức khủng bố.
Quỹ nhà ở khan hiếm
Trước khi trận động đất xảy ra, Nhóm Molham của tổ chức phi chính phủ Syria đang xây dựng một khu nhà ở rộng lớn gồm 1.500 căn hộ ở Azaz, được thúc đẩy bởi mục tiêu đầy tham vọng là chuyển các gia đình đang sinh sống trong các lều tạm bợ sang nhà ở kiên cố. Ý tưởng này xuất phát từ việc người Syria nhận ra rằng, không thể chờ đợi sự giúp đỡ từ bên ngoài mà cần huy động tài trợ thông qua cộng đồng trực tuyến. Sau trận động đất, Nhóm Molham đã đưa ra một lời kêu gọi mới, huy động được hơn 11 triệu USD dành cho việc xây dựng thêm 2.300 căn hộ tại Idlib, Salqin và Harem - tất cả các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận động đất.
Trong khi đó, các nhà phát triển bất động sản trong khu vực cho biết, họ đã bắt đầu điều chỉnh kế hoạch xây dựng của mình để phù hợp với thiệt hại do động đất và khả năng thiếu hụt nguyên liệu thô. Ông Abdo Zamzam - Giám đốc một công ty xây dựng địa phương - cho biết, các dự án trước trận động đất chủ yếu là các tòa nhà 4-5 tầng nhưng hiện nay, hầu hết mọi người muốn sống trong các tòa nhà chỉ 1 hoặc 2 tầng, bởi theo họ là an toàn hơn.
Bên cạnh đó, khu vực này có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu xây dựng khi quá trình tái thiết hàng loạt được bắt đầu bên kia biên giới hoặc phải vật lộn để trả giá cao hơn. Theo các nhà phát triển và một quan chức biên giới Syria, giá xi măng đã tăng khoảng 30%, từ 85 USD lên hơn 120 USD/ tấn và giá kim loại tăng từ 600 USD lên hơn 800 USD/ tấn.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, chính quyền nước này không hạn chế xuất khẩu vật liệu cần thiết cho xây dựng (chẳng hạn như xi măng, cát và ngói) và không có kế hoạch làm như vậy vì những vật liệu này rất dồi dào ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại cửa khẩu biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria ở Cilvegozu, hàng dài xe tải chở đầy xi măng từ các nhà máy ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ được mua bởi các thương nhân ở Syria, đang chờ đợi để đi qua phía Tây Bắc Syria. Cũng tại những cuộc thông biên như thế này, hàng chục nghìn người Syria đã quay trở lại quê hương, nhiều người về với mục đích xây dựng lại cuộc sống, gây ra nhiều áp lực hơn đối với quỹ nhà ở vốn đã khan hiếm.
Ông Karam Shaar - nhà kinh tế chính trị tại Viện nghiên cứu Trung Đông – cho biết, hầu hết viện trợ quốc tế đến khu vực tây bắc Syria trong thập kỷ qua đều được dành cho cứu trợ nhân đạo, chứ không phải tái thiết, xu hướng này có thể sẽ tiếp tục. Trong tương lai gần, mọi người sẽ tiếp tục dựa vào nguồn vốn tư nhân để xây dựng lại các tòa nhà hoặc chuyển đến sống trong lều trại.