Học sinh đầu cấp tăng: Hà Nội lo quá tải trường lớp

NGUYỄN HOÀI 26/03/2023 09:12

Giảm sĩ số học sinh/lớp, giảm học sinh trái tuyến là chủ trương của Sở GDĐT Hà Nội trong nhiều năm qua. Thế nhưng với lượng học sinh tăng chóng mặt mỗi năm, đặc biệt trong năm học 2023-2024, học sinh đầu cấp tăng mạnh tới hàng chục nghìn học sinh, nhiều ý kiến lo ngại tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, quá tải sĩ số học sinh/lớp tái diễn.

Một tiết học của học sinh Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa – Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Hoài.

Chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng

Sĩ số học sinh/lớp tại Hà Nội luôn là vấn đề “nóng”, được dư luận xã hội quan tâm, nhất là vào thời điểm tuyển sinh đầu cấp. Theo kế hoạch dự kiến, năm học 2023-2024, Hà Nội tiếp tục áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến và trực tiếp để tuyển trẻ 5 tuổi vào trường mầm non, tuyển học sinh lớp 1 vào trường tiểu học và tuyển học sinh lớp 6 vào trường THCS. Thời gian tuyển sinh đầu cấp được dự kiến bắt đầu vào đầu tháng 7 tới.

Theo thông tin từ Sở GDĐT Hà Nội, năm học này, số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh vào các lớp đầu cấp đều tăng mạnh so với năm học 2022-2023, đặc biệt là học sinh lớp 6 - lứa học sinh tuổi Nhâm Thìn, theo quan niệm là “rồng vàng”. Theo đó, toàn thành phố có 188.429 học sinh vào lớp 6, tăng 38.519 em so với năm học trước. Điều này đồng nghĩa với việc Thủ đô sẽ phải có thêm 1.315 phòng học THCS để đáp ứng nhu cầu.

Nỗ lực kiểm soát việc tuyển sinh trái tuyến để giảm tình trạng quá tải học sinh trong nhiều năm qua của Hà Nội có nhiều điểm tích cực đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong bối cảnh quy mô học sinh ngày càng gia tăng như hiện nay, tình trạng sĩ số học sinh/lớp luôn trong tình trạng quá tải tại các trường công lập là nỗi lo của nhiều phụ huynh.

Anh Đỗ Ngọc Đạt (quận Hà Đông), phụ huynh có con năm nay lên lớp 6 bày tỏ băn khoăn về chất lượng giáo dục khi lượng học sinh lớp 6 tăng chóng mặt, trong khi số trường lớp vẫn không có sự thay đổi nhiều. Điều mà anh Đạt lo lắng nhất thời điểm này là chất lượng giáo dục ở bậc phổ thông có bị ảnh hưởng.

Tương tự, quận Hoàng Mai cũng là địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh, sĩ số học sinh/lớp luôn cao hơn nhiều so với quy định. Thế nên, khi nghe thông tin năm học tới đây lượng học sinh lớp 6 sẽ tăng hằng chục nghìn em, chị Nguyễn Thị Tươi (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) lo ngại, tình trạng quá tải sĩ số học sinh/lớp sẽ tiếp tục tái diễn, thậm chí còn ở mức độ cao hơn. “Lớp quá đông sẽ ảnh hưởng tới kết quả học tập của các con. Cô giáo cũng nhiều áp lực hơn”, chị Tươi cho hay.

Lo lắng về tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, quá tải sĩ số học sinh/lớp của phụ huynh không phải là không có cơ sở. Bởi thực tế, nhiều năm qua, đây luôn là bài toán khó đặt ra với ngành giáo dục Thủ đô.

Bổ sung phòng học

Theo báo cáo của đoàn giám sát đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, từ năm 2018 đến nay, thành phố chỉ tăng 129 trường ở tất cả các cấp học. Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn, trong đó lớn nhất là điều kiện cơ sở vật chất để đáp ứng thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Toàn thành phố đang thiếu khoảng 200 phòng học bán kiên cố. Việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp ở một số quận chưa đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập.

Theo ông Phạm Quốc Toản - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GDĐT Hà Nội, việc tăng đột biến số học sinh vào lớp 6 chắc chắn sẽ dẫn đến số phòng học thiếu. Do đó, sở đề nghị các phòng GDĐT đề xuất phương án tham mưu với UBND các quận, huyện, thị xã triển khai bổ sung phòng học, đồng thời có phương án hợp lý để học sinh trong độ tuổi đều được đáp ứng nhu cầu học tập.

Giảm sĩ số học sinh/lớp, giảm học sinh trái tuyến là chủ trương của Sở GDĐT Hà Nội trong nhiều năm qua. Thế nhưng, ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều trường vẫn đang có sĩ số hơn 50 học sinh/lớp, thậm chí có trường 60 em/lớp. Trong khi đó, theo quy định của Điều lệ trường học do Bộ GDĐT ban hành, mỗi lớp học ở cấp THCS, THPT có không quá 45 học sinh; mỗi lớp học ở cấp tiểu học có không quá 35 học sinh.

Trao đổi với phóng viên, bà Trịnh Diệu Hằng - Phó hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ) cho biết, theo quy định, dù lượng học sinh đầu cấp tăng bao nhiêu đi chăng nữa thì nhà trường cũng chỉ được phép mở từng đấy lớp theo chỉ tiêu mà UBND quận giao. Bên cạnh đó, việc mở thêm lớp, tăng học sinh còn kéo theo đó là phải tăng biên chế giáo viên.

Năm học 2022-2023, Trường THCS Chu Văn An có 13 lớp 6 với 690 học sinh, tỉ lệ quá 50 học sinh/lớp. Bà Hằng mong muốn, sĩ số học sinh được đảm bảo đúng quy định. Bởi theo điều kiện cơ sở vật chất, phòng học như hiện nay, học sinh học tập trong điều kiện chật chội.

Được biết, để tránh tình trạng quá tải, quận Nam Từ Liêm xây dựng thêm 4 trường học ở cả 3 cấp học mầm non, tiểu học, THCS. Quận Hà Đông đã hoàn thành xây dựng thêm 7 khu nhà tại các trường THCS, đảm bảo sĩ số trung bình dưới 45 em/lớp với bậc THCS và khoảng 49 em/lớp ở cấp tiểu học.

Trước lượng học sinh lớp 6 năm học tới tăng đột biến, ông Phạm Văn Ngát - Trưởng phòng GDĐT huyện Thanh Trì băn khoăn về tình trạng thiếu lớp, thiếu trường càng trầm trọng. Theo ông Ngát, địa phương đang tổng rà soát, lên phương án sử dụng các phòng bộ môn, chức năng để làm phòng học chính, nhằm đảm bảo sĩ số 45 học sinh/lớp theo quy định.

Không chỉ với lớp 6, quận này cũng đang gặp phải trở ngại lớn với lớp 1. Thanh Trì có 21 trường tiểu học có số 36 - 50 học sinh lớp 1/lớp, riêng Trường Tiểu học Tứ Hiệp trên 50 học sinh và chỉ 3 trường đạt tiêu chuẩn dưới 35 học sinh.

Không riêng lớp 6 mà cả số học sinh lớp 1 năm nay trên toàn Hà Nội cũng tăng khoảng 11.600 em, tương ứng cần thêm 88 phòng học. Số lượng học sinh lớp 9 dự kiến tham gia xét công nhận tốt nghiệp THPT để dự tuyển vào lớp 10 năm học 2023-2024 là hơn 129.000 học sinh, tương đương với năm học trước. Tuy nhiên, theo kế hoạch đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, số học sinh được tuyển vào lớp 10 của các trường THPT công lập là 72.000 học sinh, tăng 1.000 học sinh so với năm học trước.

NGUYỄN HOÀI