Nghề mua... rơm

ĐOÀN XÁ 26/03/2023 10:38

Những ngày này dọc hàng trăm cây số vùng Long An, Đồng Tháp, An Giang, người dân đang hối hả thu hoạch lúa vụ mùa đầu năm. Thời điểm này cùng với giá lúa bán ở mức cao, nông dân vùng biên giới còn có thêm thu nhập đáng kể từ rơm. Thay vì “đốt đồng” như trước, rơm đang trở thành thứ hàng hóa được thu mua…

Rơm được thu mua, đưa về các đô thị ở miềnTây.

Kiếm chục triệu nhờ rơm

Chất hơn 200 cuộn rơm lên ven quốc lộ N2 đoạn qua huyện Thạnh Hóa (Long An), ông Bùi Văn Luân (59 tuổi) cho biết, thương lái đã chuyển tiền đặt cọc, cuối tuần họ sẽ cho xe tới chở hết chỗ rơm này và trả nốt số tiền còn lại. “Rơm bây giờ có giá lắm, mỗi cuộn này bán tại ruộng là 45 ngàn đồng. Mỗi công ruộng cũng được gần trăm cuộn, thêm được vài triệu đồng chứ không ít. Gia đình tôi đợt này thu hoạch sáu công nên có thêm hơn chục triệu tiền rơm. Những năm trước người ta cũng có mua rơm nhưng còn hiếm. Nay thì rơm có giá lắm. Nghe nói họ làm nguyên liệu để lót hàng cho các xe container chở trái cây xuất khẩu”, ông Luân kể.

Theo ông Luân, không phải tới vụ thu hoạch lúa đông xuân năm nay rơm mới mang lại thu nhập thêm cho bà con nông dân. Khoảng 5 năm trở lại đây, rơm đã là nguồn thu đang kể cùng với mỗi vụ lúa. Tuy nhiên, thời gian qua dịch bệnh đã làm gián đoạn việc mua bán rơm. Đến nay thương lái trở lại thu mua rơm nhộn nhịp đã hình thành nghề chở rơm mướn mang tới thu nhập cho nhiều người.

Anh Nguyễn Văn Hải, 34 tuổi ngụ tại xã Thuận Nghĩa Hoà (huyện Thạnh Hóa) chia sẻ, hơn 2 tuần trở lại đây mỗi ngày anh đều kiếm được khoảng 400-500 ngàn đồng nhờ chở rơm mướn. “Công việc đơn giản lắm, máy móc họ thu hoạch và cuộn rơm lại xong thì chúng nằm rải rác ở trên đồng. Tôi lội bộ vào, đưa lên xe gắn máy chở ra ngoài lộ cho thương lái. Có bữa thì chở ra bến ghe ở phía mé sông Vàm Cỏ Tây để đưa lên xe chở về thành phố. Giá cả thì thỏa thuận với thương lái. Nông dân bán rơm tại ruộng chứ không bao chở ra lộ. Nhiều cánh đồng nằm sâu, cách đây cả chục cây số chạy xe rất vất vả”, anh Hải kể. Cũng theo người nông dân này, rơm sau khi được thu hoạch thường để trên đồng khoảng 5-7 ngày cho khô để vận chuyển được dễ dàng hơn. “Mùa này nắng nóng rất dữ, rơm để vài ngày là khô cong, nhẹ lắm. Tuy nhiên chúng khá cồng kềnh. Xe gắn máy của tôi phải chế thêm tay sắt gắn hai bên mới có thể chở được khoảng 8 cuộn. Anh Xuân thương lái là người dưới thị trấn Tuyên Nhơn quen từ trước. Mấy năm nay anh mua rơm xong rồi bán lại cho mấy mối trên Bình Chánh, Tân An. Khi nào anh chạy xe tải đi lấy hàng thì tôi chạy xe gắn máy theo vào đồng đưa rơm ra. Mấy bữa nay nông dân ở đây thu hoạch lúa nhiều nên chạy loanh quanh ở Bình Phong Thạnh, Thuỷ Tây thôi. Tuần sau chúng tôi sẽ chạy xuống dưới Bình Hòa Trung, Bình Hòa Tây, Bình Hoa Đông ở phía dưới gần biên giới xa hơn”, anh Hải kể thêm.

Dọc theo tuyến đường quốc lộ 62 đi về vùng biên giới, cách khu vực Thạnh Hóa chừng 70 cây số ở các xã Thường Thới Tiền, Thường Thới Hậu (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp), những cánh đồng lúa rộng mênh mông cũng vừa thu hoạch xong. Điều đặc biệt so với những nông dân ở phía Long An là vùng biên giới này có nhiều nông dân sử dụng trâu để chở rơm. Có lẽ đây cũng là khu vực cuối cùng của dải đất đồng bằng sông Cửu Long, nông dân còn sử dụng trâu làm vật kéo. Ngoài rơm, lúa thì một vài nông sản khác cũng được trâu kéo. “Đồng ở đây sình lầy, chạy xe máy rất khó nên phải sử dụng trâu. Mỗi chuyến trâu chở được hai, ba chục cuộn rơm chứ không ít. Với lại từ ruộng lên con lộ trên kia xa lắm, phải đi chừng 2 cây số. Nếu tới con lộ mà xe tải đậu lại phải đi thêm hơn cây số nữa. Vì thế nên mùa này xe trâu được nhiều người thuê lắm”, anh Nguyễn Văn Hoàng, chủ một xe trâu ở Thường Thới Hậu chia sẻ. Nhìn những chú trâu lặng lẽ chở các cuộn rơm phía sau, dù chậm chạp nhiều so với xe gắn máy nhưng còn là do nếp làm nông của bà con nơi đây.

Nông dân vận chuyển rơm ra các trục đường lớn.

Rơm vàng đắt khách vì sao?

Theo ghi nhận, cũng như khi thu hoạch lúa, rơm thường được nông dân bán cho các thương lái theo hình thức tự thỏa thuận. Trong đó vị trí công ruộng (gần hay xa đường lớn), loại lúa mà giá rơm có thay đổi vài ngàn đồng mỗi cuộn. Những ngày này, hầu hết lúa vụ đông xuân của nông dân đã thu hoạch xong. Dọc những tuyến đường vùng biên giới Tây Nam đi qua Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng (tỉnh Long An) hay Tân Hồng, Hồng Ngự… (tỉnh Đồng Tháp) là những cánh đồng trơ gốc rạ. Nếu quan sát kỹ sẽ thấy các gốc rạ hiện nay được máy móc thu hoạch cắt sát gốc hơn, thay vì chỉ cắt từ phía bông lúa trổ lên như trước. Việc cắt sát như vậy sẽ làm năng suất rơm cao hơn.

Trâu kéo rơm, hình ảnh hiếm hoi còn lại ở vùng biên giới Đồng Tháp.

Anh Xuân, một thương lái thu mua rơm nhiều năm ở Thạnh Hóa cho biết vụ đông xuân giá rơm cao nhất và được thu mua nhiều nhất. So với các vụ khác, rơm vụ đông xuân là “vàng” với nông dân. “Do thời tiết và nhu cầu thị trường cả thôi. Mùa này rơm thu hoạch bao nhiêu tôi đều mua hết bấy nhiêu. Vì ít bữa nữa là tới mùa thu hoạch nông sản xuất khẩu của bà con nông dân miền Tây rồi. Rơm giờ được các vựa xuất khẩu trái cây họ mua để làm đệm khi chất hàng. Những xe tải chở dưa hấu, dưa hoàng kim hay cả chở mít nữa đều cần rơm. Thực ra hiện nay nông dân gieo trồng 3 vụ và nhiều nơi chỉ tháng 6, tháng 7 là thu hoạch tiếp vụ xuân hè. Nhưng vụ xuân hè thu mua rơm khó lắm vì lúc đó thời tiết bắt đầu mưa. Thậm chí nhiều chân ruộng vùng biên giới đã ngập nước rồi nên rơm gần như bỏ đi. Còn với người làm vựa thu mua như tôi, đợt này tôi sẽ thu nhiều để bán dần dần”, anh Xuân cho biết.

Trên những cánh đồng bát ngát miền Tây, với việc máy móc ngày càng hiện đại, lúa sau khi thu hoạch được đóng sẵn thành từng bao và rơm được sắp lại thành những cuộn vàng ươm đều đặn đẹp mắt chờ thương lái tới vận chuyển.

ĐOÀN XÁ