Sự hồi sinh của virus 'thây ma'
Nhóm tác giả của một nghiên cứu công bố mới đây trên Tạp chí Viruses, cảnh báo virus "thây ma" đã trải qua 48.500 năm bị đóng băng trong lòng đất có thể thức tỉnh khi lớp băng vĩnh cửu tan chảy do biến đổi khí hậu.
Nhiệt độ ấm hơn đáng kể đã làm tan lớp băng ở Bắc Cực, lớp băng vĩnh viễn hàng triệu năm. Nhóm nghiên cứu hiện đang cố gắng đánh giá mức độ rủi ro mà vi khuẩn và virus "ngủ đông" bên trong băng có thể gây ra cho con người.
“Tình hình sẽ còn thảm khốc hơn nhiều trong trường hợp các bệnh ảnh hưởng tới thực vật, động vật hoặc con người có nguồn gốc từ virus cổ xưa chưa được biết đến hồi sinh mà chưa có phương pháp điều trị cụ thể hoặc vaccine ngay lập tức. Thực tế cho thấy sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu có liên quan đến sự bùng phát bệnh than ở tuần lộc, vì mùa hè nóng đặc biệt ở đó đã khiến những bào tử bệnh than cổ đại tái xuất hiện từ các khu chôn cất động vật” - cảnh báo của nhóm nghiên cứu.
Tiến sĩ Jean Michel Claverie, người Pháp và nhóm của ông cho biết họ đã thành công trong việc phân lập và hồi sinh một số loại virus cổ đại từ lớp băng vĩnh cửu. Nghiên cứu này xác nhận các virus này đã từng tồn tại hơn 48.500 năm trong lớp băng vĩnh cửu.
“Chưa thể biết được sẽ ra sao trong trường hợp virus “thây ma” nếu được giải phóng khi băng vĩnh cửu tan chảy. Tuy nhiên, rủi ro chắc chắn sẽ gia tăng trong bối cảnh Trái đất nóng lên, trong đó quá trình tan băng vĩnh cửu sẽ tiếp tục tăng tốc và nhiều người sẽ sinh sống ở Bắc Cực hơn" - tiến sĩ J.Claverie nói.
Trong khi đó, Kimberley Miner - nhà khoa học khí hậu tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực NASA (Mỹ), cho rằng có rất nhiều điều đáng lo ngại đang xảy ra với lớp băng vĩnh cửu và thực sự cho thấy tầm quan trọng của việc chúng ta phải giữ càng nhiều lớp băng vĩnh cửu càng tốt.
“Có thể hình dung lớp băng vĩnh cửu giống như “chiếc kén” bảo quản các loại virus cổ đại, xác ướp của một số loài động vật đã tuyệt chủng. Băng vĩnh cửu là phương tiện lưu trữ tốt không chỉ vì lạnh mà bởi đó là môi trường không có ôxy và ánh sáng không xuyên qua được. Tuy nhiên nhiệt độ ở Bắc Cực ngày nay đang nóng lên làm suy yếu lớp băng vĩnh cửu trên cùng. Vì thế rất có thể virus “thây ma” sẽ được giải thoát” - Tiến sĩ K.Miner cảnh báo.
Trong khi đó, Jean-Michel Claverie - giáo sư danh dự về y học và bộ gene tại Trường Y Đại học Aix-Marseille (Pháp) cho biết, virus “thây ma” không phải là sinh vật ngủ đông đầu tiên được đánh thức khỏi giấc ngủ băng giá. Vào tháng 6/2021, các nhà khoa học Nga đã hồi sinh những con giun "thây ma" bị đóng băng 24.000 năm ở Bắc Cực.