Tranh chấp tên gọi một cuộc thi hoa hậu
Được xem là một trong những cuộc thi chắp cánh cho nhiều nhan sắc Việt, tuy nhiên gần đây thương hiệu “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam” lại vướng phải lùm xùm. Trong khi cả hai đơn vị tranh chấp là Công ty Minh Khang và Sen Vàng đều đưa ra những lý lẽ và chứng cứ của mình. Vậy ai đúng, ai sai?
Ai là chủ sở hữu?
Cụ thể, Công ty Minh Khang - đơn vị tổ chức cuộc thi sắc đẹp Miss Peace Vietnam vừa công bố kết quả giám định việc sử dụng tên gọi. Theo đó, Công ty Minh Khang đã công bố hai kết luận giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ. Cụ thể, kết luận thứ nhất: Kết luận số NH268-22YC/KLGD do ông Nguyễn Hữu Cẩn - Phó Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ ký đã khẳng định rằng không có căn cứ cho thấy việc Công ty Minh Khang sử dụng tên chương trình Hoa hậu Hòa bình là xâm phạm quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu “Miss Grand International” của một đơn vị tại Thái Lan, mà Công ty Sen Vàng được cấp quyền cho thực hiện tổ chức cuộc thi “Miss Grand Việt Nam”. Đơn vị tại Thái Lan đã đăng ký và được bảo hộ nhãn hiệu “Miss Grand International, MGI” tại Việt Nam nhưng chưa có bất kỳ thông tin nào về việc đơn vị này đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu Hoa hậu Hòa bình Việt Nam.
Đại diện Công ty Minh Khang khẳng định kết luận giám định này cho thấy mọi tuyên bố và yêu cầu của Công ty Sen Vàng về việc sử dụng tên chương trình Hoa hậu Hòa bình Việt Nam của Công ty Minh Khang là vô căn cứ.
Kết luận giám định thứ hai: Kết luận NH275-22YC/KLGD của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, việc sử dụng tên chương trình Hoa hậu Hòa bình Việt Nam của Sen Vàng là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Vietnam Peace Bella và hình” mà Minh Khang được bảo hộ. Vì trước đó công ty này đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Vietnam Peace Bella và hình” từ năm 2017 và được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu số 326167 ngày 6/8/2019). Ngoài ra, Công ty Minh Khang cũng cung cấp tài liệu cho thấy, năm 2022, đơn vị tổ chức Miss Peace Việt Nam đã làm hồ sơ xin cấp phép cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 theo quy định hiện hành và được UBND thành phố Đà Nẵng chấp thuận cho tổ chức cuộc thi (Văn bản số 1603/UBND-SVHTT ngày 29/3/2022); đồng thời tên gọi cuộc thi cũng đã được bảo hộ độc quyền nhãn hiệu.
Giám đốc Công ty Minh Khang Thùy Dương cho biết, việc Công ty Sen Vàng chỉ căn cứ vào duy nhất một hợp đồng chuyển giao quyền tổ chức chương trình “Miss Grand International” để tuyên bố rằng mình có quyền sử dụng độc quyền đối với nhãn hiệu “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam” là không có căn cứ pháp lý ; việc sử dụng tên chương trình “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam” là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với nhãn hiệu của Công ty Minh Khang. Nếu vụ việc tranh chấp tên gọi này không được các bên giải quyết thỏa đáng, rõ ràng, Sen Vàng không dừng việc tổ chức cuộc thi với tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam thì đơn vị sẽ khởi kiện ra tòa.
Trách nhiệm của cơ quan quản lý
Trước những thông tin này, Công ty Sen Vàng - đơn vị tổ chức cuộc thi sắc đẹp Miss Grand Vietnam cũng đưa ra những phản hồi mới nhất của mình. Phía Sen Vàng khẳng định những thông tin, tài liệu và hình ảnh mà Công ty Minh Khang chia sẻ với các cơ quan báo chí, đơn vị truyền thông về tên gọi “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam” thời gian gần đây đều là những thông tin đã cũ. Chủ đề này đã được khép lại vào năm 2022, khi tên gọi “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam” được cơ quan nhà nước lẫn công chúng chấp thuận là tên gọi Việt hóa của cuộc thi Miss Grand Vietnam.
Công ty Sen Vàng chia sẻ, đã thành công trong việc nhận được cấp phép của Miss Grand International Co,. Ltd là chủ sở hữu, đơn vị tổ chức và sản xuất Miss Grand International để tổ chức một cuộc thi quy mô quốc gia nhằm tuyển chọn và đào tạo những người đẹp có đầy đủ vẻ đẹp và trí tuệ để đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi quốc tế. Trên cơ sở đó, Công ty Sen Vàng khẳng định đã thực hiện thủ tục pháp lý và được Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM chấp thuận cho tổ chức cuộc thi “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam – Miss Grand Vietnam” năm 2022.
“Chúng tôi có các tài liệu và cơ sở để khẳng định việc Công ty Sen Vàng sử dụng tên gọi Hoa hậu Hòa Bình là hợp pháp. Đối với các thông tin hoặc cáo buộc không chính xác, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Sen Vàng, chúng tôi sẽ sử dụng mọi biện pháp pháp lý cần thiết để giải quyết trong khuôn khổ pháp luật” - đại diện Công ty Sen Vàng khẳng định.
Thực tế cho thấy, tranh chấp tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 giữa Công ty Minh Khang và Sen Vàng từ chỗ cả hai đơn vị đều công bố bản quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền cuộc thi có tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022, chỉ khác tên tiếng Anh. Công ty Minh Khang đăng kí tên cuộc thi là Miss Peace Vietnam. Công ty Sen Vàng đăng kí cuộc thi Miss Grand Vietnam. Thế nhưng khi dịch sang tiếng Việt, cả hai cuộc thi đều là Hoa hậu Hòa bình Việt Nam - gây nên sự trùng lặp. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, chưa có một cơ quan chức năng, quản lý nhà nước đứng ra phân định ai là chủ sở hữu thương hiệu cuộc thi.
Liên quan đến sự việc, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) Phạm Thị Kim Oanh cho biết, Cục cấp bản quyền tác giả cho tác phẩm do hai đơn vị trên là đúng theo trình tự pháp luật. “Sau khi cấp giấy chứng nhận cho Công ty Sen Vàng và các bên đang tổ chức các cuộc thi theo quy định, Công ty Minh Khang có xin đổi lại tên không còn là “Kịch bản cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2023” nữa. Lúc đó Sen Vàng đã cung cấp văn bản của tổ chức quốc tế liên quan đến vấn đề bản quyền, nên chúng tôi mới dừng việc cấp đổi lại tên gọi cuộc thi của Minh Khang” - bà Oanh nói và cho biết thêm trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã trình các cấp có thẩm quyền, có điều bổ sung trong việc quy định tên gọi.