Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau
Để phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay, ông Triệu Quốc Thịnh - Giám đốc Công ty Du lịch và Tổ chức sự kiện Triệu Hoàng Travel cho rằng các doanh nghiệp không nên cạnh tranh lẫn nhau về giá mà phải bằng chất lượng dịch vụ và sản phẩm khác biệt. Đó cũng là nguyên tắc của nền kinh tế thị trường nhưng không phải ai cũng nhớ mà thực hiện.
Trước khi nói đến cạnh tranh thì xin được đặt vấn đề cạnh tranh có phải là mạnh ai nấy làm, thủ tiêu sự liên kết? Có phải là “cá lớn nuốt cá bé” không?
Chắc hẳn trong chúng ta nhiều người tâm đắc với câu nói của tỷ phú người Mỹ Warren Buffett (sinh năm 1930), là “muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Buffett được coi là nhà đầu tư thành công nhất thế giới, liên tục đứng trong top 10 do tạp chí Forbes bình chọn, hiện tài sản ước khoảng 104 tỷ USD (tính đến tháng 3/2023).
Ý của Buffett là trong làm ăn cần có sự độc lập quyết đoán, cùng với tính đoàn kết và cả sự lựa chọn đồng đội (cùng làm ăn) một cách thông minh.
Trở lại với thị trường du lịch của ta hiện nay. Cho dù vẫn được đánh giá đã “cất cánh” nhưng cũng khá rõ là chưa “đi cùng nhau”, yếu tố cạnh tranh lành mạnh để cùng vươn lên còn yếu, đôi khi còn vi phạm cả đạo đức kinh doanh.
Nói ngay như chuyện quảng cáo. Luật Cạnh tranh điều chỉnh về hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc cạnh tranh, biện pháp xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không tuân thủ chặt chẽ khi có những hành vi cạnh tranh không đẹp, không phù hợp với đạo đức kinh doanh mà nhắm trực tiếp đến đối thủ cạnh tranh hoặc khách du lịch. Không khó để thấy các dạng quảng cáo so sánh, bắt chước và gây nhầm lẫn. Rõ hơn, theo Luật sư Tô Thị Phương Dung, hành vi cạnh tranh không lành mạnh bao gồm: Chỉ dẫn gây nhầm lẫn; gièm pha doanh nghiệp khác; gây rối hoạt động kinh doanh của người khác; so sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác; bắt chước sản phẩm gây nhầm lẫn cho khách hàng...
Chất lượng dịch vụ và sản phẩm khác biệt được coi là yếu tố then chốt đưa đến thành công cho doanh nghiệp du lịch. Về chất lượng, bao gồm nhiều yếu tố, nhưng đôi khi thực tế lại khác xa so với quảng bá. Tới nay, hầu như địa phương nào cũng tự nhận là điểm đến du lịch nhưng lại không đạt được chất lượng về chỗ nghỉ, nơi tham quan, ẩm thực. Tất nhiên điều đó không chỉ do ngành du lịch mà còn do việc đầu tư của các doanh nghiệp “ăn theo” và cả chính quyền địa phương với lối tư duy đơn lẻ và ngắn hạn.
Về việc sản phẩm khác biệt lại cũng có vấn đề. Chỉ nói riêng về sản phẩm lưu niệm bán tại các điểm du lịch cũng đã thấy điều đó. Ví dụ một chiếc áo dài mua ở Huế, Hội An, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc... cũng không khác nhau là mấy. Thổ cẩm vốn chỉ có ở vùng núi cao phía Bắc và Tây Nguyên, thì nay đâu đâu cũng có. Nó không còn là mặt hàng thủ công đơn chiếc mà được dệt bằng máy. Chất liệu vải, màu sắc, hoa văn cũng khá tùy tiện, miễn là bắt mắt, giá rẻ, bán được. Sản phẩm đã đơn điệu lại “chồng lấn”, theo kiểu thấy người ta ăn khoai thì cũng vác mai đi đào.
Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), chi tiêu cho du lịch trong năm 2023 dự báo tăng 20%. Việt Nam cũng đề ra mục tiêu đón 8 triệu khách du lịch nước ngoài. Nhưng để đón đầu làn sóng ấy không dễ nếu như không cải tiến. Nói như ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing TST Tourist, thì để thu hút nhóm khách cao cấp thì ngoài dịch vụ sang trọng và đẳng cấp, yếu tố quan trọng phải là để họ được trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng cư dân bản địa. Nếu như chỉ chú trọng xem du lịch golf là “con gà đẻ trứng vàng” thì cũng nhanh chóng trở nên lẻ loi vì không ai đến Việt Nam chỉ để đánh Golf cả, chắc gì họ đã quay lại nếu như các sản phẩm du lịch hỗ trợ kém cỏi.
Chung quy chất lượng dịch vụ và nắm tay nhau cùng thắng mới là hướng đi bền vững. Quảng bá bề nổi thôi chưa đủ, mà còn phải bền bỉ xây dựng nội hàm bên trong của thương hiệu du lịch, vì rằng muốn đi xa thì phải đi cùng nhau.