Tín hiệu tích cực từ doanh nghiệp bán lẻ
Cuộc đua tăng độ phủ thị trường bán lẻ của các doanh nghiệp vẫn đang gấp gáp. Các chuyên gia khẳng định thị trường bán lẻ đang trên đà phục hồi tốt.
Thêm hình thức chăm sóc khách hàng
Là người từng nhiều lần mua thuốc điều trị cúm tại cửa hàng thuốc Long Châu, chị Hà An ( Đội Cấn, Hà Nội) đã được nhân viên cài ứng dụng Nhà thuốc FPT Long Châu. Qua đó chị còn được tích điểm mỗi lần mua thuốc, nhận được các tin nhắn hỗ trợ giao hàng tận nơi. Theo lời chị An, chị còn có thể trò chuyện online với dược sĩ để hỏi xem nhà thuốc có loại thuốc phù hợp, theo yêu cầu không.
Có thể nhận thấy các doanh nghiệp (DN) bán lẻ ở nhiều ngành hàng khác nhau đang đưa ra những lối đi riêng hút khách hàng nhằm tối đa hoá doanh thu và lợi nhuận. Cuộc cạnh tranh sôi nổi về độ phủ của hàng loạt tên tuổi ngành bán lẻ bằng việc tối ưu hóa hệ sinh thái kinh doanh được triển khai rộng khắp.
Bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam phân tích, khi xảy ra đại dịch Covid- 19, việc bán hàng trên các kênh thương mại điện tử đã phát triển rất mạnh. Các nhà bán lẻ rất nhanh nhạy chuyển hướng phục vụ người tiêu dùng tốt hơn. Nhà bán lẻ đầu tư nhiều cho công nghệ, nhân lực để đáp ứng yêu cầu. Còn các nhà sản xuất cũng tận dụng các website của chính DN mình, các trang thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội để đẩy mạnh tiêu thụ. Đây cũng chính là xu hướng của ngành bán lẻ trong thời gian tới.
Tốc độ bán lẻ sẽ tăng 8 - 9% trong năm nay
Nhận định về thị trường bán lẻ trong năm 2023, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cho rằng sau thời gian chững lại do dịch Covid-19, hiện thị trường bán lẻ Việt Nam đang trên đà hồi phục tốt với mức tăng trưởng bằng thời điểm trước dịch. Cơ sở để ngành bán lẻ phục hồi, được hỗ trợ bởi các yếu tố như tăng trưởng thu nhập, ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ, các ngành nghề liên quan du lịch gồm vận tải, lưu trú và nỗ lực kiềm chế lạm phát đang phát huy tác dụng.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, nhu cầu tiêu dùng của người dân trở lại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2/2023 vẫn tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 481,8 nghìn tỷ đồng. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 994,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 0,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,2% (cùng kỳ năm 2022 giảm 1,1%).
Còn theo Bộ Công thương, năm 2023 bên cạnh việc mở rộng, củng cố hệ thống phân phối hiện có, Bộ sẽ có giải pháp phát triển mạnh các loại hình kinh doanh thương mại hiện đại dựa trên nền tảng số hóa; Khuyến khích ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động của các DN phân phối và cộng đồng để hỗ trợ mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa; tập trung ứng dụng công nghệ số vào truy xuất nguồn hàng tại hệ thống hạ tầng thương mại như siêu thị, chợ... Đồng thời, sẽ phát triển các phương thức bán lẻ mới, trong đó đặc biệt chú trọng phương thức bán lẻ đa kênh, bán lẻ qua điện thoại di động, truyền hình, qua các ứng dụng mạng xã hội dựa trên môi trường mạng Internet nhằm đáp ứng yêu cầu và xu hướng mua sắm của người tiêu dùng.
Đáng chú ý là sự đầu tư mạnh mẽ của các nhà bán lẻ ngoại. Mới đây, Central Retail (Thái Lan) công bố sẽ đầu tư thêm 20.000 tỷ đồng vào thị trường bán lẻ Việt Nam trong 5 năm tới. Giám đốc truyền thông tập đoàn này tại Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân cho hay, với việc rót thêm vốn đầu tư lớn vào Việt Nam, Central Retail sẽ nhân rộng điểm bán từ 40 tỉnh, thành phố hiện nay lên 55 tỉnh, thành phố cả nước. Qua đó thúc đẩy doanh số tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2026 lên 65.000 tỷ đồng.
Tương tự, Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) cũng đang lên kế hoạch từ nay đến năm 2025 triển khai thêm 16 dự án tại Việt Nam, trong đó có 3 - 4 dự án tại Hà Nội. Đồng thời sẽ ra mắt các mô hình bán lẻ mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tạo đà phát triển trong tương lai.
Năm 2023, mục tiêu đặt ra với thị trường nội địa là phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 8-9%. Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu tin tưởng năm 2023 ngành bán lẻ sẽ phát triển mạnh. Đây sẽ là năm phục hồi thực sự của ngành bán lẻ sau đại dịch, với sự đầu tư mới của nhiều nhà bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam. “Nhà bán lẻ trong nước cũng kỳ vọng tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường thông qua việc bắt tay với các đối tác nước ngoài” - bà Hậu nói.