Xoay xở giải 'cơn khát' đơn hàng
Thế giới vẫn chưa thoát khỏi lạm phát, nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường đều giảm. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp Việt Nam thiếu đơn hàng trầm trọng, phải xoay xở chuyển hướng sản xuất...
Nhiều ngành nghề vẫn thiếu đơn hàng
Ông Nguyễn Phước Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TPHCM (Huba) cho biết, vừa qua Huba thực hiện khảo sát hơn 100 DN về hoạt động sản xuất kinh doanh đến tháng 2. Kết quả cho thấy, 85% DN đang gặp khó khăn. Các yếu tố khó khăn về thị trường bị thu hẹp chiếm 41,25%, hàng tồn kho nhiều chiếm 30,1%, thủ tục vay vốn phức tạp chiếm 38,2%... Theo Huba, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN dệt may khó khăn do ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu, lãi suất ngân hàng cao nên DN hoạt động cầm chừng. Đơn hàng đầu năm của ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ vẫn tiếp tục giảm mạnh. Dự kiến, còn giảm đến hết quý 2 với mức giảm khoảng 50 - 60%.
Nguyên nhân, do thị trường châu Âu, Mỹ sụt giảm tiêu thụ; người dân, DN trong nước hạn chế mua sắm, xây dựng công trình hoặc hoạt động sữa chữa. Huba dự báo, trong quý 2 hoạt động sản xuất kinh doanh của DN vẫn còn khó khăn khi kim ngạch xuất khẩu nhiều ngành hàng sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022. Sức mua của thị trường toàn cầu vẫn ở mức thấp.
Trong khi đó, thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), ngành thủy sản đang chịu tác động từ lạm phát tăng cao làm giảm sức mua tại các thị trường chủ lực. Tình trạng thiếu hụt đơn hàng từ cuối năm 2022 đến nay khiến các nhà máy liên tục thu hẹp quy mô nhân sự, giảm giờ làm và thu nhập của người lao động.
Đại diện Hiệp hội Da giày Việt Nam cho rằng, từ quý 4/2022, da giày chịu tác động rất lớn của thị trường thế giới. Dự kiến phải đến hết quý 2/2023 tình hình mới khả quan hơn. Điều này cũng tác động khá lớn đến đơn hàng. Các DN cần xác định đây là một trong những thách thức lớn đối với ngành.
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội May - Thêu - Đan TPHCM cho biết, các DN trong lĩnh vực dệt may, da giày đang tiếp tục tìm kiếm đơn hàng sản xuất cho đến tháng 6/2023 vì tình hình sản xuất vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện chỉ có khoảng 60% DN có đơn hàng, còn 30% DN thiếu đơn hàng để sản xuất. Khả năng phải đến quý 2/2023, hoạt động kinh doanh mới thật sự khởi sắc.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, quý 1 năm nay số đơn hàng của DN đã giảm từ 25 – 27% do sức mua toàn cầu giảm. Hiện các đối tác chỉ đặt đơn ngắn hạn với sản lượng thấp hơn rất nhiều.
Xoay xở vượt khó
Để giải bài toán khó khăn chung của thị trường xuất khẩu, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, các DN đã phải chuyển hướng sản xuất sang những mặt hàng giá trị thấp hơn nhằm giữ nhịp độ sản xuất. Đơn cử, Công ty TNHH Dệt may Dony chủ động mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu mới, đồng thời tổ chức sản xuất các đơn hàng giá rẻ xuất khẩu, thay vì những đơn hàng may mặc cao cấp như trước đây. Đây chính là lý do giúp đơn vị cầm cự sản xuất trong khó khăn và không phải cắt giảm lao động.
“Chúng tôi đang tập trung vào nhóm khách hàng yêu cầu số lượng hàng lớn, giá cạnh tranh. Trong đó, Mỹ và Trung Đông là 2 thị trường có số lượng đơn hàng lớn và khá đều, mặc dù lợi nhuận thấp hơn” - ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty May mặc Dony nói.
“Công nghệ số và việc áp dụng các công cụ, phương tiện kỹ thuật số vào quá trình sản xuất kinh doanh của các DN, giúp tiết kiệm chi phí đầu vào, tăng hiệu suất, cải thiện chất lượng sản phẩm đầu ra, thu hút khách hàng mới và duy trì khách hàng hiện có. Càng trong khó khăn như hiện nay, DN càng phải nhanh chóng chuyển đổi số” - ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói.
Mong muốn hỗ trợ DN vượt bão khủng hoảng hiệu quả, nhất là đối với các ngành nghề xuất khẩu, lãnh đạo Hiệp hội DN TPHCM kiến nghị, cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại vào các thị trường trọng điểm xuất khẩu hoặc đang có lợi thế xuất khẩu như châu Âu, Ấn Độ... Đặc biệt, tăng cường công tác dự báo, thông tin về thị trường xuất khẩu cũng như kịp thời hướng dẫn DN xuất khẩu thực thị những quy định mới phát sinh để DN tăng khả năng ứng phó hiệu quả.
Nhận định của các chuyên gia kinh tế, ngoài việc xoay đổi hướng kinh doanh cho phù hợp, DN nên giảm nhập khẩu, tăng tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu trong sản phẩm để tăng sức cạnh tranh bằng giá thành. Song song đó, cộng đồng DN cần tận dụng lợi thế lớn từ các Hiệp định thương mại song phương và đa phương nhằm đa dạng thị trường xuất khẩu.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường có hiệp định thương mại chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của các thị trường này. Như vậy, còn rất nhiều dư địa để DN Việt có thể chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao hàm lượng giá trị sang các thị trường tiềm năng.