Cảnh giác với những cuộc gọi 'đen'
Lừa đảo trên điện thoại không phải thủ đoạn mới của loại tội phạm sử dụng công nghệ cao nhưng ngày một xảo quyệt. Nhiều người đã bị các đối tượng mạo danh cơ quan, cán bộ tư pháp gọi điện thoại lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lắng xuống một thời gian, nay tình hình lại bùng dậy.
Bấn loạn khi nghe con bị tai nạn
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát đi thông tin, chỉ trong vòng nửa tháng đã có tới 14 phụ huynh tại TPHCM bị lừa 825 triệu đồng, theo cùng một kịch bản “con cấp cứu, chuyển tiền gấp”.
Đáng chú ý, đối tượng lừa đảo đã nói được chính xác tên, tuổi của học sinh, phụ huynh. Sau đó, kẻ lừa đảo chuyển điện thoại cho một người khác, xưng là bác sĩ cấp cứu để trao đổi về tình trạng của học sinh, rồi yêu cầu phụ huynh chuyển tiền gấp.
TPHCM là địa phương đầu tiên ghi nhận chiêu lừa “con cấp cứu, chuyển tiền gấp”, sau đó lần lượt xuất hiện tại các tỉnh, thành khác. Tại Hà Nội, trong 1 ngày, 2 phụ huynh đã đến Công an quận Nam Từ Liêm trình báo bị lừa 240 triệu đồng. Một trong 2 nạn nhân cho biết, khoảng 15h30 chiều ngày 13/3, anh nhận được cuộc gọi từ số lạ. Người gọi xưng là cô giáo của con gái anh, nói cháu bị tai nạn, đã được đưa vào Bệnh viện 354 chờ phẫu thuật nên yêu cầu gia đình đến viện gấp.
“Cô giáo” sau đó chuyển máy để anh nói chuyện với một người khác, được giới thiệu là bác sĩ. Người này nói con anh ngã từ tầng ba, bị chảy máu tai, chấn thương sọ não. Suốt cuộc điện thoại, anh nghe được tiếng còi cấp cứu trong viện. Khi anh trên đường vào viện, “cô giáo” tiếp tục gọi điện, yêu cầu chuyển 40 triệu đồng cho nhân viên bệnh viện để phẫu thuật ngay.
“Không kịp nghĩ gì, tôi lo tiền và gửi luôn” - anh cho biết, sau đó gọi cho người nhà để báo tin thì mới biết con đang ở nhà...
Điểm chung của hầu hết các vụ việc lừa đảo bằng công nghệ cao là các đối tượng thu thập được thông tin cá nhân của nạn nhân như tên, tuổi, ngày sinh, số căn cước, thông tin tài khoản ngân hàng… Sau đó nhắn tin, gọi điện để thực hiện hành vi lừa đảo. Trong trường hợp này, đối tượng xấu đã đánh trúng tâm lý của các bậc cha mẹ, họ đều bấn loạn khi nghe con bị tai nạn phải cấp cứu, nên đã chuyển tiền gấp để cứu con.
Lộ, lọt thông tin học sinh, phụ huynh từ đâu?
Chưa có kết luận rõ ràng vì sao kẻ gian có được tên tuổi, trường lớp, tên thầy cô giáo chủ nhiệm của học sinh cũng như số máy của phụ huynh, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng những thông tin cá nhân đó có thể bị rò rỉ từ trường học và mạng xã hội.
Theo ông Lê Minh Hiển - Trưởng phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM), đối tượng lừa đảo rất tinh vi, dựng lên môi trường gấp rút, âm thanh huyên náo như ở bệnh viện khiến phụ huynh càng hốt hoảng. “Trong khi theo quy trình, việc thu tiền viện phí qua điện thoại là điều cấm kỵ” - ông Hiển nói, nhưng đáng tiếc là phụ huynh đã không biết điều đó.
Phía nhà trường, thường là không chịu trách nhiệm về việc vì sao kẻ gian có được thông tin về học sinh, phụ huynh để lừa đảo. Lãnh đạo các trường cho biết, trong đó có hồ sơ để làm bảo hiểm y tế, thẻ ngân hàng, tuyển sinh đại học - cao đẳng... đều cần nhiều thông tin chi tiết của học sinh, phụ huynh. Có lãnh đạo nhà trường còn cho rằng thông tin học sinh có thể lộ qua hoạt động tiếp thị của các nhãn hàng tại trường học. Nhiều công ty đến trường học tặng quà và yêu cầu gửi danh sách học sinh để nhận quà...
Trong số các nguyên nhân được phía nhà trường đưa ra để lý giải vì sao kẻ gian có được thông tin học sinh, phụ huynh, lãnh đạo nhà trường cho rằng bản thân phụ huynh có nhiều sơ hở khi chụp ảnh căn cước công dân, khoe giấy khen, giải thưởng của con, tiết lộ con mình học trường nào lớp nào lên mạng xã hội.
Còn theo Thượng tá Lê Mạnh Hà (Phòng Tham mưu Công an TPHCM), thông tin học sinh và phụ huynh có thể lộ, lọt từ nhiều nguồn, như do bộ phận bảo mật, nhân viên cơ quan hoặc cửa hàng thu thập thông tin và bán lại. Qua các vụ lừa đảo “con cấp cứu, chuyển tiền gấp” thấy rõ nhóm tội phạm còn chia vai thầy, cô giáo, bác sĩ nói chuyện với phụ huynh để tăng độ tin cậy. Có nghĩa là lừa đảo có tổ chức.
Nhân đây cũng xin được nhắc lại 2 vụ mua bán dữ liệu thông tin cá nhân đã bị cơ quan chức năng triệt phá. Vụ thứ nhất: Tháng 11/2022, Công an tỉnh Quảng Bình phá thành công chuyên án thu thập trái phép 17 triệu dữ liệu thông tin cá nhân để mua bán trục lợi. Khám xét nơi ở của nhóm tội phạm, công an thu giữ nhiều tài liệu liên quan và khoảng 4.000 file dữ liệu chứa thông tin cá nhân. Vụ thứ hai: Tháng 2/2023, Công an tỉnh Hà Tĩnh triệt phá nhóm tội phạm tải hơn 2 triệu thông tin cá nhân về máy tính của mình; đã bán hơn 1 triệu thông tin cá nhân cho một số tổ chức, cá nhân, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.
Như vậy rõ ràng là có người bán, có người mua thông tin cá nhân; từ đó mới có những vụ lừa đảo trên mạng, điện thoại. Vấn đề là phải xử lý nghiêm cả đối tượng bán lẫn đối tượng mua mới loại bỏ được tội phạm lừa đảo từ những cuộc điện thoại “đen”.
Pháp luật nghiêm cấm hành vi thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác theo Điều 7 của Luật An toàn thông tin mạng. Trong đó, hành vi mua bán hoặc trao đổi thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông bị phạt 50-70 triệu đồng. Ngoài ra, theo Khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015, nếu bị chứng minh thu lợi bất chính từ 50 đến 200 triệu đồng; gây thiệt hại từ 100 đến 500 triệu đồng; hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, sẽ bị phạt tiền 30-200 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc Kỹ thuật Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam (NCS), ngoài mua bán dữ liệu, một số trường học chưa ý thức được vấn đề bảo mật thông tin. “Nhiều trường vô tư đăng dữ liệu chi tiết về học sinh, phụ huynh ngay trên website của trường” - ông Sơn nói. Nhiều trường đăng đầy đủ thông tin họ tên, lớp, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, giới tính, hộ khẩu thường trú, số điện thoại và họ tên bố, mẹ. Thậm chí cả mã định danh.