Đánh thức Ma nhai

THANH TÙNG 03/04/2023 08:16

Sau vài thế kỷ lãng quên, hệ thống bia ma nhai (văn tự cổ khắc trên vách núi, hang động) tại danh thắng Ngũ Hành Sơn của Đà Nẵng đã có tên trên bản đồ di sản, bia ký thế giới từ ngày 1/3/2023 khi UNESCO chính thức trao Bằng công nhận Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Du khách tham quan hang động và chiêm bái Ma nhai tại hòn Thủy Sơn trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Lưu giữ ký ức hơn 3 thế kỷ

Ma nhai tại các ngọn núi Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Thổ Sơn, Dương Hỏa Sơn, Âm Hỏa Sơn của quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn là hệ thống gồm 78 văn khắc bằng chữ Hán và chữ Nôm trên vách đá, hang động, với nhiều nội dung, thể loại văn học của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, tri thức, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XX.

Ma nhai lưu trữ những “ký ức” về giao lưu, tiếp xúc kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực trên tuyến đường hàng hải cũng như vị thế, vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong các cuộc hôn nhân với thương nhân ngoại quốc ở thế kỷ XVII.

Theo tài liệu của Bảo tàng Đà Nẵng, từ thế kỷ XVII-XIX, Ngũ Hành Sơn trở thành trung tâm Phật giáo xứ Đàng trong của Việt Nam với 20 chùa chiền cùng miếu mạo dày đặc, trong đó có nhiều cổ tự được xây dựng qua các thời kỳ lịch sử khác nhau.

Sự tồn tại của các cổ tự như chùa Bảo Đài, chùa Phổ Đà, chùa Bình An, chùa Trang Nghiêm trong danh thắng Ngũ Hành Sơn cũng được minh chứng trên các ma nhai: Ngũ Uẩn Sơn Cổ Tích Phật Diệt Lạc, Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật Nam Bảo Đài hinh bi, Phước Quảng Sa môn. Trong giai đoạn này, cùng với sự phát triển của kinh tế ngoại thương Đàng trong, Ngũ Hành Sơn nằm cạnh sông Cổ Cò là con đường chính cho hoạt động thương mại từ Đà Nẵng đến thương cảng Hội An, trở thành điểm dừng chân lý tưởng của thương nhân Nhật, Hoa, Ả Rập và sau đó là các thương nhân, nhà truyền giáo Tây phương.

Minh chứng rõ nhất về giai đoạn này là các nội dung được ghi lại trên văn bia Ma nhai “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật”, khắc trực tiếp trên vách đá tại động Hoa Nghiêm. Từ năm 1802, khi triều Nguyễn xác lập Thừa Thiên Huế là kinh đô thì Đà Nẵng trở thành phên giậu quan trọng che chắn phía Nam bảo vệ vương triều. Các Vua triều Nguyễn thường xuyên đi thị sát, thăm thú nhiều cảnh đẹp, trong đó có danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Đi cùng trong những chuyến xa giá, vãn cảnh Ngũ Hành Sơn với các Vua triều Nguyễn là Hoàng thân, đại thần, danh nhân nổi tiếng. Họ đã để lại nhiều thơ, văn tán khắc lên vách đá trong hang động thể hiện cảm quan thẩm mỹ, tình yêu thiên nhiên, bày tỏ sự tự hào về đất nước tươi đẹp, lịch sử oai hùng của dân tộc.

Đơn cử như các bài thơ “Khả lân sơn sắc” của Vương Tử Cán; “Vọng Ngũ Hành Sơn” của Phụ chánh đại thần Văn Minh điện Đại học sĩ Vĩnh Trung tử Kim Giang Nguyễn Trọng Hợp; “Ngũ Hành tú sắc” của Hải Nông Bùi Văn Dị... Đặc biệt, là bài thơ “Phong nguyệt tỉnh thành” viết theo lối ca trù bằng chữ Nôm của Quảng Nam Bố chánh Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại. Ma nhai “Du Ngũ Hành Sơn” của tác giả Thích Diệu Ngộ (khắc năm 1961) được xem là Ma nhai cuối cùng ở Ngũ Hành Sơn.

Nguồn tư liệu quý hiếm

Một trong những người có công làm “đánh thức Ma nhai” ở danh thắng Ngũ Hành Sơn là đạo diễn, NSND Huỳnh Văn Hùng - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng. Sau lễ đón nhận Bằng công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO ngày 1/3 vừa qua, ông Huỳnh Văn Hùng chia sẻ thời khắc khi ông cùng đồng sự phát hiện những ký tự Hán - Nôm trên vách đá, hang động trong quá trình khảo sát danh thắng Ngũ Hành Sơn vào năm 2017.

Dù chưa rõ hết nội dung và ý nghĩa của văn tự khắc trên vách đá, hang động, bia ký nhưng bằng cảm quan nhạy bén của người có thâm niên sâu sắc về lịch sử - văn hóa, ông Hùng liên tưởng ngay đến “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” được UNESCO ghi danh Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2016. Cũng rất tình cờ, nhóm khảo sát của Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng được biết Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán ở Huế đang nghiên cứu di sản Phật giáo ở Ngũ Hành Sơn.

Tại cuộc hội thảo do Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán phối hợp với chùa Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn tổ chức vào tháng 5/2018, thơ văn Ma nhai được nhiều nhà nghiên cứu đề cập. Theo Đại đức Thích Không Nhiên, văn bản ma nhai bước đầu thống kê có khoảng 90 văn bản lưu tại 5 hang động: Huyền Không chiếm với 60 văn bản, động Tàng Chơn 20, động Linh Nham 3, động Vân Thông 3, động Âm Phủ 3 và các vị trí còn lại 3 văn bản.

Tại hội thảo này, nhà nghiên cứu Phan Đăng cho biết, ông gặp may khi tìm được quyển sách chép tay bằng chữ Hán tồn tại trên 100 năm, bên trong có nhiều nội dung bổ ích cho việc nghiên cứu ma nhai Ngũ Hành Sơn. Đó là quyển “Ngũ Hành Sơn lục” do tú tài Hồ Thăng Doanh, người làng Hóa Khê, Ngũ Hành Sơn biên soạn vào đầu triều Khải Định (năm 1916). Nội dung quyển sách đề cập nhiều chủ đề, trong đó có ghi chép, dịch nghĩa, giải thích một số thơ văn ma nhai Ngũ Hành Sơn.

Tháng 3/2019, Bảo tàng thành phố phối hợp Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán tổ chức Hội thảo khoa học “Thư tịch cổ và văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn”.

Từ đây có thể xác định, thơ văn ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là kho tàng di sản tư liệu quý giá bằng chữ Hán và chữ Nôm với số lượng lớn, nội dung đa dạng, hình thức thể hiện độc đáo, có tính duy nhất không thể thay thế với nhiều thể loại như ngự bút, bia ký, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối, hát nói... của vua quan, cao tăng, văn nhân thi sĩ từng dừng chân cảm tác, khắc ghi trên các vách đá, hang động Ngũ Hành Sơn từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX. Đây là nguồn tư liệu quý hiếm, có giá trị nhiều mặt về lịch sử, khoa học, tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật và ngoại giao.

Áp lực bảo tồn

Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là những dương bản duy nhất hiện còn lưu lại ở các vách đá. Tuy các văn khắc được hình thành vào những thời điểm khác nhau; nội dung hình thức khác nhau nhưng chưa hề có tư liệu nào đề cập đến việc thay đổi, chỉnh sửa hay làm mới về hình thức cũng như nội dung của các Ma nhai ở Ngũ Hành Sơn. Tương truyền, những người thợ tài hoa của làng nghề điêu khắc đá Ngũ Hành Sơn đã tạo nên những ma nhai còn lưu dấu đến ngày nay.

Dù đã có hàng loạt dự án bảo tồn di sản được triển khai nhưng những rủi ro về khí hậu đặc trưng (mùa nóng nhiệt độ dao động từ 36 đến 41độ C, tổng lượng mưa cả năm khoảng 2049 mm) làm cho thành phần khoáng vật biến đổi, đá bị phong hóa mạnh, các khe nứt bị ăn mòn gây sập lở, hủy hoại Ma nhai. Cùng với đó là hoạt động du lịch chưa bền vững, tiếp đón một lượng lớn du khách hằng ngày, sử dụng nguồn chiếu sáng quá mức, khiến các vách đá suy thoái, rêu tảo phát triển xâm lấn các bia Ma nhai.

Đáng lo ngại là nhiều du khách thiếu ý thức đã tự ý viết, vẽ, lên các bia ma nhai. TS Nguyễn Hoàng Thân - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học, Xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng) khuyến nghị: Di sản Ma nhai Ngũ Hành Sơn đang dần mai một do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Nếu không nhanh chóng kiểm kê, sưu tầm, in rập, số hóa thì sẽ vĩnh viễn mất đi.

THANH TÙNG